![]() |
Dự báo năm 2025, sản lượng tiêu toàn cầu tiếp tục giảm - Ảnh minh họa. |
Diện tích tiêu của Đồng Nai đã giảm hàng ngàn hécta so với 5-6 năm trước. Nguyên nhân là do từ sau dịch Covid-19, thị trường tiêu liên tục ở mức giá thấp, nhiều thời điểm dưới giá thành sản xuất do xuất khẩu gặp khó. Do đó, người dân chuyển đổi sang hướng sản xuất theo chuỗi liên kết an toàn, hướng đến sự phát triển bền vững.
Mùa khô năm 2024 quá khô hạn, thời tiết thất thường khiến tiêu mất mùa, nhiều vùng năng suất giảm từ 20-40% so với năm trước. Nhiều vườn tiêu ra 2 đợt đậu trái khác nhau, nhưng đợt 2 tỷ lệ hạt lép nhiều, công lao động cao, nhiều nhà vườn chấp nhận chỉ hái 1 đợt nên ảnh hưởng đến năng suất. Tuy nhiên, giá tiêu tăng cao nên người trồng tiêu vẫn kỳ vọng có lợi nhuận cao hơn vụ trước.
Từ sau dịch Covid-19, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn khiến giá tiêu giảm sâu, có năm dưới giá thành sản xuất khiến diện tích tiêu trên cả nước giảm mạnh. Mất mùa cũng góp phần khiến nguồn cung tiêu giảm, từ đó giá tiêu liên tục tăng cao trở lại từ năm 2024.
Hiện tiêu trên địa bàn tỉnh đang bắt đầu cho thu hoạch; đầu vụ nên sản lượng thu hoạch còn ít, hoạt động mua bán chưa diễn ra sôi động. Khi giá tiêu giảm thấp, chi phí đầu tư cao, người dân thường bán hết cho thương lái. Hiện giá tiêu tăng cao, người dân có xu hướng trữ lại nhiều hơn với kỳ vọng giá tiêu có thể còn tăng.
Theo Hiệp hội Tiêu và cây gia vị Việt Nam, năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu tiêu đạt gần 1,32 tỷ USD. So với năm 2023, lượng tiêu xuất khẩu giảm 5,1%, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 45,4%. Riêng kim ngạch xuất khẩu tiêu của tỉnh Đồng Nai đạt 137 triệu USD, tăng gần 37,4% so với năm 2023. Dự báo năm 2025, sản lượng tiêu toàn cầu tiếp tục giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ ổn định nên giá mặt hàng này có thể lập kỷ lục mới.
Tính đến cuối năm 2024, tổng diện tích tiêu trên địa bàn tỉnh còn 10 ngàn hécta, giảm hơn 1,3 ngàn hécta so với năm trước đó và giảm gần một nửa so với thời điểm diện tích tiêu lớn nhất. Theo kế hoạch, diện tích tiêu của tỉnh hầu như không tăng nhưng tổng sản lượng vẫn tăng nhờ vào ứng dụng khoa học kỹ thuật. Ngành nông nghiệp tỉnh định hướng tăng giá trị tiêu nhờ uy tín chất lượng qua việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất hữu cơ đạt chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính.
Nhiều người trồng tiêu quan tâm đến hướng chuyển đổi này. Khi giá tiêu tăng cao, nhiều người dân mạnh dạn đầu tư tái tạo vườn tiêu già cỗi hoặc trồng thêm diện tích mới. Sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo sản phẩm an toàn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để tăng lợi thế cạnh tranh.
Nhiều hộ đã tham gia Dự án Cánh đồng lớn trồng tiêu an toàn theo hướng hữu cơ. Làm theo hướng hữu cơ không chỉ có lợi cho cây trồng mà còn bảo vệ sức khỏe cho người dân. Đất khỏe, cây khỏe kết hợp với chủ động phòng bệnh, cây có sức chống chịu tốt sẽ kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế được lượng thuốc hóa học.
Từ năm 2024, giá tiêu bắt đầu hồi phục và nhiều thời điểm đứng ở mức cao nên người dân chú trọng chăm sóc vườn, có hộ trồng mới lại vườn già cỗi. Nhiều hộ tham gia chuỗi liên kết sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ. Vào chuỗi liên kết, người dân được hỗ trợ một phần vật tư sản xuất, hỗ trợ tiếp cận về khoa học kỹ thuật. Tiêu an toàn tham gia chuỗi liên kết có hợp tác xã bao tiêu với giá cao hơn so với thị trường nên người dân càng yên tâm sản xuất.