![]() |
Cà Mau có tiềm năng lớn với diện tích nuôi tôm hơn 278.000 ha và sản lượng đạt 242.000 tấn mỗi năm - Ảnh minh họa. |
Tôm không chỉ là ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mà còn là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, năm 2025 được dự báo sẽ mang đến nhiều thách thức cho ngành tôm, từ cạnh tranh quốc tế khốc liệt đến tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh và chi phí sản xuất gia tăng. Trong bối cảnh đó, Cà Mau đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm vượt qua khó khăn, củng cố vị thế dẫn đầu trên thị trường quốc tế.
Ngành tôm Cà Mau đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia xuất khẩu tôm lớn trên thế giới. Giá thành sản xuất tôm tại địa phương còn cao, do yêu cầu nghiêm ngặt của mô hình nuôi tôm công nghiệp và siêu thâm canh. Dịch bệnh cũng là một yếu tố rủi ro, ảnh hưởng đến năng suất và chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, Cà Mau có tiềm năng lớn với diện tích nuôi tôm hơn 278.000 ha và sản lượng đạt 242.000 tấn mỗi năm, mang về kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Để khai thác tối đa tiềm năng này, tỉnh đã và đang xây dựng các vùng nuôi tôm đạt chuẩn hữu cơ và sinh thái, đồng thời thúc đẩy mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.
Giải pháp trọng tâm của tỉnh bao gồm phát triển nuôi tôm siêu thâm canh và thâm canh tại các vùng thuận lợi, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác liên kết, phát triển sản phẩm giá trị gia tăng từ phế phụ phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu và phát triển công nghiệp phụ trợ.
Những năm qua, ngành tôm Cà Mau đã có những bước tiến tích cực, cơ cấu sản xuất thay đổi theo hướng hiện đại, công nghệ mới được áp dụng rộng rãi. Với những định hướng chiến lược này, Cà Mau kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ vững vai trò là một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam.