![]() |
Hình ảnh Giáo viên hướng dẫn (giữa) và học sinh trường Đông Du bên cạnh Máy tách sầu riêng (góc phải) |
Xuất phát từ nhu cầu thực tế của công đoạn tách sầu riêng bằng tay, vốn tiềm ẩn nguy cơ gây thương tích và mất thời gian, hai học sinh lớp 11, Phạm Anh Thư và Đặng Hoàng Dũng, đến từ Trường THPT Đông Du (TP. Buôn Ma Thuột) đã đạt giải Nhì cuộc thi Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2024–2025 với dự án chế tạo Máy tách sầu riêng bán tự động. Chiếc máy này có công suất khoảng 75 quả/giờ, hạn chế làm hư hỏng sản phẩm, đồng thời thân thiện với người sử dụng.
Cô Lê Minh Hiền, giáo viên hướng dẫn đề tài nghiên cứu, chia sẻ, sản phẩm đã trải qua nhiều lần cải tiến và được đánh giá cao nhờ tính ứng dụng thực tiễn và giải quyết đúng nhu cầu của thị trường địa phương. Chiếc máy có chi phí chế tạo khoảng 9 triệu đồng, với kích thước chiều rộng 50 cm x 100 cm chiều cao, bao gồm các vật tư chủ yếu như: sắt thép, inox, động cơ ben điện, mạch điện điều khiển rơ le, cảm biến và cắt laze… Máy dễ vận hành, đặc biệt phù hợp với các hộ gia đình nhỏ, người cao tuổi hay các cơ sở kinh doanh đặc sản trái cây.
![]() |
Học sinh Trường Đông Du nhận giải |
Trường Đông Du trước đó cũng từng gây tiếng vang khi học sinh của trường chế tạo thành công Máy hút dịch chanh dây, dự án đoạt giải quốc gia (năm 2021) và được nhiều doanh nghiệp nông nghiệp quan tâm. Truyền thống nghiên cứu khoa học trong học sinh đã trở thành điểm mạnh nổi bật của nhà trường, nơi các em được khơi dậy đam mê và có môi trường thực hành sáng tạo ngay từ bậc phổ thông.
Trường Hoàng Việt cũng đã ghi dấu ấn mạnh mẽ tại cuộc thi Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2024–2025 với loạt dự án đầy tiềm năng. Trong đó nổi bật là đề tài Hệ thống sử dụng AI để giám sát dinh dưỡng và sinh trưởng cây trồng (đạt giải Nhì tại cuộc thi cấp Quốc gia) của hai học sinh Nguyễn Ngọc Bảo Đơn (lớp 10) và Vũ Tiến Minh (lớp 11).
![]() |
Hình ảnh mô hình Hệ thống sử dụng AI để giám sát dinh dưỡng và sinh trưởng cây trồng |
Em Bảo Đơn cho biết, với chi phí mua sắm trang thiết bị khoảng 20 triệu đồng, hệ thống được tích hợp 2 loại camera và 2 cảm biến gồm: camera cảnh báo khoanh vùng phạm vi 15m, camera Depth Vision quét tạo ra mô hình 3D, tự động đếm số lá, phân tích kích thước cây, để thu thập dữ liệu sinh trưởng, bên cạnh đó các cảm biến sẽ đánh giá được nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng giúp phát hiện bất thường trong vùng canh tác và đưa ra cảnh báo sớm qua ứng dụng điện thoại do học sinh Tiến Minh viết. Hệ thống giúp người nông dân chủ động theo dõi tình trạng cây trồng từ xa, thay vì chỉ phát hiện khi cây đã bệnh nặng.
Cô Nguyễn Thị Yến, giáo viên hướng dẫn đề tài chia sẻ rằng các em không chỉ ứng dụng AI, mà còn sử dụng cả ChatGPT để hỗ trợ nghiên cứu, viết mã code, tạo mô hình mô phỏng… Điều này cho thấy khả năng tiếp cận công nghệ mới của học sinh ngày nay rất nhanh và linh hoạt. Cô Lê Thị Hoàng Phương, giáo viên phụ trách hoạt động nghiên cứu khoa học cho biết Trường Hoàng Việt từ lâu đã đầu tư mạnh vào hoạt động nghiên cứu khoa học trong học sinh, thành lập Câu lạc bộ Khoa học, hỗ trợ một phần kinh phí cho các đề tài nghiên cứu. Trường từng có đề tài thìa – nĩa dùng một lần từ hạt bơ đạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp cấp quốc gia dành cho học sinh – sinh viên, sau đó phát triển thành ống hút từ hạt bơ hiện được doanh nghiệp quan tâm đầu tư sản xuất.
![]() |
Học sinh Trường Hoàng Việt nhận giải |
Cả hai trường THPT Đông Du và Hoàng Việt đều cho thấy, hiệu quả rõ nét trong mô hình giáo dục kết hợp giữa học thuật và thực hành, giữa nghiên cứu và ứng dụng. Không còn là những cuộc thi hình thức, các sản phẩm khoa học kỹ thuật đã thực sự gắn với đời sống, nông nghiệp, môi trường là các vấn đề cần thiết của địa phương. Trong thời đại chuyển đổi số và nền kinh tế tri thức, việc khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học không chỉ nâng cao năng lực tư duy mà còn trang bị kỹ năng giải quyết vấn đề, yếu tố then chốt của thế hệ tương lai.
Từ các phòng thí nghiệm học đường đến các vùng nông sản đặc sản của Tây Nguyên, tinh thần sáng tạo đang âm thầm lan tỏa, hứa hẹn tạo nên một thế hệ “nhà khoa học trẻ” đầy trách nhiệm và bản lĩnh trong tương lai./.