Ảnh minh họa. |
Với Nghị quyết 57/245, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố lấy ngày 11/12 hàng năm để kỷ niệm Ngày Núi quốc tế, nhằm vận động ở tất cả chính phủ các nước lưu ý về tầm quan trọng của sự phát triển bền vững các ngọn núi. Núi được đặc trưng bởi sự đa dạng khắc nghiệt, từ rừng mưa nhiệt đới cho đến vùng băng tuyết vĩnh cửu từ rừng sâu cho đến sa mạc. Núi cũng là những tháp nước của thế giới - nơi cung cấp nước ngọt cho ít nhất một nửa dân số của hành tinh.
Tuy nhiên, những ngọn núi cũng là môi trường có nguy cơ cao: Tuyết lở, sạt lở đất, núi lửa phun trào, động đất và lũ lụt do các hồ băng bị vỡ đe dọa tới cuộc sống trong các khu vực miền núi và các vùng lân cận. Núi đóng một vai trò quan trọng trong những tác động đến khí hậu toàn cầu và khu vực cũng như các điều kiện thời tiết. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, núi không chỉ đóng góp cho việc nuôi sống và sự sung túc của khoảng 720 triệu người hiện đang sống trong các khu vực miền núi trên khắp thế giới, mà còn cung cấp rất nhiều lợi ích gián tiếp cho hàng tỷ người sinh sống trong các khu vực hạ lưu. Núi cung cấp nước ngọt, năng lượng và thực phẩm - những nguồn lực được đánh giá là sẽ rất khan hiếm trong tương lai.
Những người dân miền núi là những người nghèo nhất và khó khăn nhất trên thế giới. Họ thường bị gạt ra ngoài lề trong đời sống chính trị, xã hội và kinh tế, không được tiếp cận với các dịch vụ cơ bản như: Chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Ngoài ra, những thách thức mà thế giới hiện phải đối mặt trong giai đoạn hiện nay như: Biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế và sự gia tăng dân số cũng tạo ra các thử thách mà những người dân miền núi buộc phải trải nghiệm. Chính vì vậy, cách tiếp cận bền vững đối với sự phát triển đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với khu vực miền núi. Qua nhiều thế hệ, người dân miền núi đã học được cách sống cùng với sự đe dọa của thiên tai và đã tự xây dựng được các hệ thống sử dụng đất thích ứng tốt và chịu được rủi ro. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, trong những thập kỷ trở lại đây, nhiều vùng núi đang ngày càng phải gánh chịu thiên tai tàn phá.
Để ứng phó với những thách thức và mối đe dọa toàn cầu, thế giới cần thông qua các biện pháp hành động toàn diện, trong đó có tính đến tất cả các khía cạnh của sự bền vững. Nhu cầu và mối tương quan giữa các yếu tố khác nhau của sự phát triển bền vững của các ngọn núi như: Nước, đa dạng sinh học, du lịch và cơ sở hạ tầng đều cần phải được tính đến.
Để đạt được sự phát triển bền vững các ngọn núi, điều quan trọng là tất cả các bên liên quan phải quan tâm, cần thúc đẩy các nỗ lực để nâng cao nhận thức về các vấn đề chủ yếu của hệ sinh thái núi và các biện pháp hành động tương ứng. Thêm vào đó, phát triển và bảo vệ bền vững các vùng núi và cải thiện sinh kế địa phương cũng cần được xác định có vị trí xứng đáng trong các quyết sách về núi. Các chính sách, pháp luật về núi cần bảo đảm bảo vệ các dân tộc thiểu số và di sản văn hóa của các cộng đồng miền núi, và công nhận các quyền sở hữu cộng đồng.
Theo Liên hợp quốc, ở cấp độ chính sách, điều quan trọng là cần tăng cường các chính sách hiện có và thiết lập các thể chế, cơ chế quốc gia, khu vực và quốc tế mới và sáng tạo, dựa trên đặc thù các vấn đề liên quan đến núi. Ngoài ra, các chính phủ cũng cần chú ý hơn đến việc quản lý rủi ro thiên tai ở vùng núi trong việc phát triển các biện pháp, cách tiếp cận và chính sách phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, phục hồi các khu vực và dịch vụ công.
Về mặt kinh tế, mức độ đầu tư và tài chính cho phát triển bền vững các vùng núi ở cấp độ quốc tế, khu vực, quốc gia và cộng đồng cần được tăng cường, đặc biệt nhờ vào việc phối hợp với khu vực tư nhân. Thêm vào đó, cần đầu tư thích đáng cho các dịch vụ môi trường vì việc làm này có khả năng cải thiện tình hình kinh tế của cộng đồng miền núi, từ đó hỗ trợ hiệu quả cho các dự án phát triển bền vững. Tất cả các biện pháp này cần được hỗ trợ bởi một môi trường thuận lợi thúc đẩy các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao được cung cấp bởi khu vực núi, nhằm tạo điều kiện để các sản phẩm và dịch vụ này có thể tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường quốc gia và quốc tế, cải thiện đời sống và bảo vệ môi trường núi.
Hơn thế nữa, để bảo đảm sự phát triển bền vững các ngọn núi, cộng đồng quốc tế cần quản lý hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy việc bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên vốn đang ngày càng cạn kiệt như: Nước, đa dạng sinh học, rừng, đồng cỏ và đất. Những hệ quả của biến đổi khí hậu xảy ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn cùng với các mối đe dọa của thiên tai chính là những minh chứng quan trọng để nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng và quản lý một cách thận trọng, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở những khu vực miền núi; thực hiện các biện pháp để thích ứng và giảm nhẹ thiên tai./.