N2O mạnh gấp 270 lần CO2 về khả năng làm nóng hành tinh, hiện chiếm khoảng 10% sự nóng lên toàn cầu - Ảnh minh họa. |
Báo cáo toàn cầu mới nhất của Liên hợp quốc về nitơ oxit (N2O) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối đe dọa kép mà loại khí nhà kính mạnh này gây ra cho biến đổi khí hậu và sức khỏe con người. N2O mạnh gấp 270 lần CO2 về khả năng làm nóng hành tinh, hiện chiếm khoảng 10% sự nóng lên toàn cầu. Phát thải chủ yếu từ nông nghiệp, đặc biệt là việc sử dụng phân bón, N2O là khí nhà kính đứng thứ ba về tác động, sau CO2 và metan. Đáng lo ngại, lượng khí thải N2O đang tăng nhanh hơn dự kiến, gây nguy hiểm cho mục tiêu kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
Không chỉ gây biến đổi khí hậu, N2O còn làm suy giảm tầng ôzôn - lớp bảo vệ Trái Đất khỏi tia cực tím có hại. Báo cáo cho thấy việc giảm phát thải N2O sẽ hỗ trợ quá trình phục hồi tầng ôzôn, bảo vệ sức khỏe con người khỏi ung thư da, đục thủy tinh thể và các bệnh khác. Giảm phát thải N2O là hành động khẩn cấp để đạt được các mục tiêu khí hậu. Nếu không kiểm soát được loại khí này, thế giới sẽ khó có thể đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Nghiên cứu chỉ ra rằng, giảm phát thải N2O có thể giúp tránh được lượng khí thải tương đương 235 tỷ tấn CO2 vào năm 2100.
Báo cáo đề xuất các chiến lược giảm thiểu N2O, tập trung vào chuyển đổi hệ thống sản xuất thực phẩm và quản lý nitơ hiệu quả hơn. Các biện pháp này bao gồm sử dụng phân bón hợp lý, hiệu quả, áp dụng các phương pháp canh tác bền vững, xử lý chất thải nông nghiệp và phát triển các giống cây trồng ít cần nitơ.
Giảm phát thải N2O không chỉ giúp ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn mang lại nhiều lợi ích khác như cải thiện chất lượng không khí, giảm tử vong sớm, nâng cao chất lượng nước, bảo vệ sức khỏe đất và hệ sinh thái. UNEP và FAO kêu gọi hành động ngay lập tức và mạnh mẽ để giảm phát thải N2O, như một phần trong chiến lược toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu.