Đồng Tháp có tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả cao (trên 70%) - Ảnh minh họa. |
Hành trình 30 năm phát triển của hệ thống HTX Đồng Tháp là câu chuyện ấn tượng về sự thích ứng, đổi mới và vươn lên. Không chỉ dừng lại ở việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều HTX đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ IoT, xây dựng thương hiệu sản phẩm sạch, "số hóa" quy trình quản lý và mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các nền tảng thương mại điện tử.
Điển hình là mô hình sản xuất lúa 3 vụ/năm trên diện tích gần 1.200ha của HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò), nơi gần 100% nông dân đã sử dụng thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật. HTX này cũng ứng dụng công nghệ số vào hầu hết các khâu, từ quản lý thông tin sản phẩm bằng mã QR đến sử dụng phần mềm kế toán, thuế điện tử, hóa đơn điện tử.
Một ví dụ khác là HTX sầu riêng Phú Hựu (huyện Châu Thành) với 70ha sầu riêng VietGAP. HTX đã chủ động liên kết với các đối tác, gắn mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Thành công của các HTX Đồng Tháp đến từ nhiều yếu tố, trong đó có sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương thông qua các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX tiếp cận khoa học kỹ thuật, mở rộng thị trường. Theo đánh giá của Liên minh HTX Việt Nam, Đồng Tháp có tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả cao (trên 70%). Đây là tiền đề để tỉnh tiếp tục phát triển các mô hình HTX kiểu mới, đẩy mạnh liên kết, hợp tác, xây dựng thương hiệu HTX Đồng Tháp.
Tuy nhiên, các HTX Đồng Tháp vẫn cần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng thương hiệu và liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để phát triển bền vững.
Tỉnh Đồng Tháp khẳng định sẽ tiếp tục tập trung đầu tư, hỗ trợ để các HTX phát triển, góp phần nâng cao đời sống của người dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.