![]() |
Đồng Tháp đang tích cực triển khai Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" - Ảnh minh họa. |
Đồng Tháp đang tích cực triển khai Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu 50.000 ha tham gia chương trình này, góp phần nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam và bảo vệ môi trường.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Đồng Tháp tập trung vào nhiều giải pháp đồng bộ, bao gồm: giảm lượng lúa giống, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và nước tưới; áp dụng các quy trình canh tác bền vững như "1 phải 5 giảm", tưới ngập khô xen kẽ, tiêu chuẩn SRP; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và nông dân; đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng đến bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh, với các mục tiêu cụ thể như: giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch, tăng cường thu gom và tái sử dụng rơm rạ, giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo, tăng thu nhập cho người trồng lúa, gia tăng tỷ trọng gạo xuất khẩu chất lượng cao.
Để hỗ trợ người dân thực hiện Đề án, Đồng Tháp đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất lúa gạo, bao gồm: xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng, nâng cấp công trình thủy lợi, hoàn thiện hệ thống kênh mương kết hợp giao thông nội đồng, hình thành mạng lưới kho, sấy, chế biến.
Đồng Tháp đã có kinh nghiệm trong việc xây dựng các mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp. 17 mô hình với diện tích 1.573 ha tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đang được nhân rộng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi phương thức sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững.
Cùng với việc triển khai các giải pháp kỹ thuật, Đồng Tháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia Đề án. Các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội để phổ biến kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về sản xuất lúa gạo bền vững.
Với sự quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân, tin rằng Đồng Tháp sẽ thành công trong việc thực hiện Đề án lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.