Chuyên gia Hiệp hội KOFA thăm mô hình trồng sắn dây tại xã Ea kuêh- Huyện Cư M’Gar
Tại buổi làm việc, Sở NN&PTNT đã báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ năm 2023 và định hướng phát triển giai đoạn tới. Theo đó, hệ thống canh tác nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đã được tỉnh Đắk Lắk quan tâm xây dựng chính sách phát triển, đồng thời đầu tư nguồn lực để khuyến khích người dân phát triển sản xuất NNHC.
Lĩnh vực trồng trọt, hỗ trợ chứng nhận VietGAP trong sản xuất sầu riêng với tổng diện tích 280 ha; có 05 Hợp tác xã xây dựng theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP sầu riêng và Bơ, với quy mô diện tích gần 100 ha. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có một số đơn vị đang hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận hữu cơ (22 ha cây Chôm chôm); có 05 Hợp tác xã liên kết với Công ty TNHH DAKMAN Việt Nam thực hiện liên kết sản xuất cà phê gắn với tiêu thụ nông sản với quy mô 295 ha; mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị; sản xuất cà phê hữu cơ trồng xen hồ tiêu,.....
Thăm mô hình trồng khoai lang hữu cơ của HTX Nông nghiệp Eatul
Lĩnh vực chăm nuôi có 42 cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh và 02 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGap, VietGAHP và các chứng nhận khác tương đương, đây chính là tiền đề để phát triển chăn nuôi hữu cơ trên địa bàn tỉnh.
Lĩnh vực thuỷ sản, có 07 tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản đã được cấp Giấy chứng nhận VietGAP, VietGAHP và các chứng nhận khác tương đương với tổng diện tích được chứng nhận 35.724 m3 lồng nuôi và 11,5 ha ao nuôi; Sản lượng dự kiến: 945 tấn/năm.
Thăm mô hình khu vực trồng dứa MD2 của Tập đoàn xuân Thiện sử dụng công nghệ thông minh điều khiển từ xa của Isaren
Hiện nay, tỉnh đang chú trọng phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng thương hiệu. Đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức sản xuất theo mô hình hợp tác, liên kết; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và thị trường, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông sản chủ lực có ưu thế như: cà phê, tiêu, cây ăn quả, dược liệu, ngô, lúa; Hỗ trợ các cơ sở sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ tham gia hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh....
Thời gian đến, Sở NN&PTNT mong muốn Hiệp hội KOFA chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Nhật Bản, đồng hành hỗ trợ thúc đẩy lộ trình triển khai dịch vụ tích hợp sản xuất, phân phối sản phẩm hữu cơ do Hiệp hội KOFA thực hiện tại tỉnh. Nếu Dự án được phê duyệt, KOFA tiếp tục hỗ trợ thiết bị và tổ chức hướng dẫn quy trình thực hiện chuỗi giá trị từ khâu làm đất - giống - kỹ thuật canh tác - thu hoạch - chế biến - thiết kế mẫu mã sản phẩm - quảng cáo - xây dựng hệ thống bán hàng - chứng nhận sản phẩm JAS.
Thăm và làm việc với Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Xanh Tây Nguyên tại xã Eakpam với mô hình chanh dây tiêu chuẩn globalGAP
Trong khuôn khổ chuyến công tác, tại huyện Cư M’Gar, KOFA đã tham quan tìm hiểu thực tế mô hình của cơ sở trồng sắn dây hữu cơ tại xã Ea Kuếh, Trạm khuyến nông; Làm việc với Hợp tác xã trồng rau hữu cơ tại xã Ea Tul; thăm Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Xanh Tây Nguyên tại xã Ea Kpam; Công ty TNHH Liên kết nông Nông dân, Km9, Quốc lộ 26, phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột và làm việc với UBND xã Cư Suê.
Trước đó, tháng 11/2023, Đoàn công tác của tỉnh gồm lãnh đạo Sở NN&PTNT và lãnh đạo UBND huyện Cư M’Gar, Đại học Tây Nguyên đã có chuyến thăm làm việc với Hiệp hội nông dân hữu cơ Kagoshima (KOFA) tại Nhật Bản.
Đoàn tham quan một số mô hình sản xuất của hội viên; thăm nhà máy chế biến sản phẩm hữu cơ của KOFA, nhà máy được đầu tư 100.000.000 yên tương đương khoảng 16 tỷ tiền Việt Nam, đạt tiêu chuẩn HACCP. Nơi đây chế biến các sản phẩm hữu cơ do các thành viên của KOFA cung cấp để tạo ra các sản phẩm cho trẻ em và theo nhu cầu của thị trường, tất cả sản phẩm đều được chứng nhận JAS, đảm bảo chất lượng, các sản phẩm có đầy đủ các thông tin cần thiết để khách hàng tra cứu.
Qua chuyến tham quan, tìm hiểu về dịch vụ tích hợp sản xuất, phân phối sản phẩm hữu cơ do Hiệp hội thực hiện, nhằm thiết lập một hệ thống nhân sự hợp tác và hỗ trợ phù hợp khi thực hiện dự án ODA của huyện Cư M’gar nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung trong tương lai.
Hiện KOFA có 165 hộ nông dân là thành viên và 3 công ty, sản xuất hơn 140 sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. KOFA hướng tới việc tạo dựng các cơ sở sản xuất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối quốc tế các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và phổ biến canh tác hữu cơ đến các nước đang phát triển, đồng thời tận dụng các kỹ thuật có sẵn và các lợi thế khác của Nhật Bản để mở rộng nông nghiệp hữu cơ ra quốc tế.