![]() |
Hình ảnh cây Vải đang ra hoa nở rộ. Ảnh nguồn internet. |
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh Hải Dương có khoảng 8.800 ha vải (tập trung chủ yếu ở huyện Thanh Hà, Ninh Giang, Tứ Kỳ và thành phố Chí Linh); khoảng 2.100 ha nhãn (tập trung chủ yếu ở thành phố Chí Linh, huyện Thanh Miện, Thanh Hà và thị xã Kinh Môn).
Để đảm bảo kỹ thuật, sinh trưởng phát triển tốt, tăng tỷ lệ ra hoa, đậu quả, bảo đảm năng suất, chất lượng quả vải, nhãn. Chi cục Trồng trọt và Bảo thực vật đề nghị Phòng Nông nghiệp và PTNT/Kinh tế và Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố có diện tích vải, nhãn trồng tập trung tăng cường chỉ đạo, thực hiện một số nội dung sau:
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương chỉ đạo, hướng dẫn nông dân bám sát diễn biến thời tiết, tình hình sinh trưởng phát triển của các giống vải, nhãn để kịp thời chăm bón giúp cây ra hoa nhanh, nở hoa tập trung, tăng tỷ lệ đậu quả. Sau khi cây kết thúc nở hoa và bắt đầu đậu quả: Cần tiếp tục duy trì tưới nước đảm bảo đủ ẩm cho cây, đồng thời kết hợp bón thúc phân bón NPK kịp thời cung cấp dinh dưỡng cho cây nuôi quả. Quan sát biểu hiện sinh trưởng của cây để điều chỉnh tỷ lệ hàm lượng NPK cho phù hợp. Giai đoạn này cũng cần phun bổ sung phân vi lượng có hàm lượng Bo cao qua lá để tăng khả năng đậu quả. Khi cây vải đang trong giai đoạn nở hoa vẫn cần phải tưới nước cho các diện tích khô hạn để đảm bảo cung cấp đủ nước cho cây giúp cây nở hoa tập trung, tăng khả năng đậu quả. Tuy nhiên, giai đoạn này không bón phân, nhất là phân đạm.
![]() |
Hải Dương là tỉnh đứng đầu về năng suất thu hoạch vải trên cả nước. Ảnh nguồn internet. |
Cùng với đó tăng cường theo dõi và hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại trên vải, nhãn. Ở giai đoạn này, tập trung theo dõi và phòng trừ đối với sâu đo, sâu đục chẽ hoa, sâu róm, rệp muội và bệnh sương mai; khuyến cáo, quán triệt nông dân không được phun thuốc bảo vệ thực vật khi cây vải, nhãn đang nở hoa để bảo vệ đàn ong mật và tăng tỷ lệ đậu quả.
Sở Nông nghiệp & PTNT Hải Dương khuyến cáo nông dân đẩy mạnh áp dụng quy trình sản xuất vải, nhãn, theo tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ); thực hiện duy trì tốt các vùng trồng đã được cấp mã số, thiết lập vùng trồng để cấp mã số mới. Đối với vùng sản xuất vải, nhãn phục vụ xuất khẩu: Tham mưu UBND cấp huyện chỉ đạo các xã, phường, thị trấn có vùng vải, nhãn sản xuất tập trung phục vụ xuất khấu liên hệ với các Doanh nghiệp, thương nhân thu mua vải, nhãn ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ để có tính rằng buộc pháp lý nhằm đảm bảo quản lý tốt nhất các vùng trồng.
Theo đó, tăng cường kiểm tra giám sát chất lượng vật tư đầu vào sử dụng trên vải, nhãn đặc biệt là thuốc bảo vệ thực vật. Yêu cầu các đại lý, cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật trong vùng sản xuất vải, nhãn xuất khẩu thực hiện ký cam kết tuyệt đối không bán, tư vấn, khuyến cáo nông dân sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất mà nước nhập khẩu cấm hoặc cho phép mức dư lượng thấp như Tricyclazole, Thiosultap-Sodium, Profenofos, Quinalphos, Permethrin, Hexaconazole./.