Ngày 12/4/2025, Bộ Công an vừa triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, với gần 600 loại trong đó có cả sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai khiến người tiêu dùng hoang mang. Bước đầu cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định từ tháng 8/2021 đến nay, Công ty cổ phần dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần dược dinh dưỡng Hacofood Group sản xuất kinh doanh sữa bột. Đến nay đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại. Đồng thời, khởi tố, bắt tạm giam 2 đối tượng chủ mưu cầm đầu đường dây nói trên cùng 6 bị can khác về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng". Trong khoảng 4 năm, các đối tượng đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng. |
Chiều 16/4/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội năm 2024. Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, trong báo cáo chưa nêu những văn bản có chồng chéo, đặc biệt là có tồn tại “lỗ hổng”, “khoảng trống” để kiến nghị ngay. “Thời gian gần đây, vụ việc liên quan đến 600 loại sữa giả được bày bán công khai trên thị trường suốt 4 năm qua đã đặt nhiều dấu hỏi về “lỗ hổng” trong công tác quản lý, trong các văn bản pháp lý”, bà Nguyễn Thanh Hải cũng đặt ra vấn đề hậu kiểm hiện nay chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm minh. Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội cho biết, cử tri trao đổi rằng ở đây có “khoảng trống” pháp lý trong việc quản lý thị trường sữa, quảng cáo sữa. “Người nổi tiếng tham gia vào quảng cáo thì trách nhiệm đến đâu… người tiêu dùng không kiểm chứng được, sử dụng gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Như vậy thì văn bản pháp luật có “lỗ hổng” hay không?”, bà Nguyễn Thanh Hải nói. Bà Nguyễn Thanh Hải đề nghị trong báo cáo cần phân tích, bổ sung thêm về những “lỗ hổng” pháp luật, từ đó kiến nghị các cơ quan phải bổ sung, từ đó có thông tin đối với cả cử tri và nhân dân cả nước. |
Sáng 17-4, Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Một số vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu bức xúc của người dân về sữa giả, thuốc giả từ thông tin triệt phá đường dây gần 600 loại sữa giả vừa qua, cũng như đường dây làm thuốc giả mới bị triệt phá. Nêu ý kiến tại đây, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho hay qua vụ phá đường dây gần 600 loại sữa giả vẫn nổi lên vấn đề "trách nhiệm thuộc về ai?". "Bộ Công Thương hôm qua nói không thuộc đối tượng quản lý, thế của ai? Ai quản lý sữa này, ai quản lý thực phẩm này...", bà Nguyễn Thị Doan nêu câu hỏi. nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đề cập đến việc quản lý thức ăn đường phố. Bởi tình trạng này cũng diễn biến khá phức tạp khi chỉ "5.000 - 10.000 đồng/que thịt. Thịt bẩn hay thịt sạch? Ai quản lý?”, nguyên Phó Chủ tịch nước nói và cho rằng vấn đề này cần phải làm rõ. |
Thủ tướng chỉ đạo xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 40/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 về xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả.
Công điện gửi các Bộ trưởng: Công an, Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu:
Theo phản ánh của báo chí, vừa qua các cơ quan chức năng đã phát hiện một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, quảng cáo, phân phối nhiều loại sữa giả; nhiều người tiêu dùng đã tỏ ra lo lắng, bất an vì đã lỡ mua, sử dụng các sản phẩm sữa này. Việc quản lý an toàn thực phẩm, phòng chống thực phẩm giả đã được Chính phủ giao cho các Bộ, cơ quan Trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định. Nhằm tăng cường trách nhiệm của các Bộ, cơ quan, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm, ngăn ngừa thực phẩm giả trong đó có sữa giả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm đưa ra kết luận về vụ việc sản xuất, buôn bán sữa giả nêu trên để thông tin cho người tiêu dùng và đưa các đối tượng vi phạm ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật.
2. Bộ Công Thương tăng cường công tác quản lý thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, trong đó có sữa giả.
3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức rà soát, xử lý các sai phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm trên báo chí, trên môi trường mạng, trên các xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật.
4. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan liên quan rà soát quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sữa và có biện pháp xử lý phù hợp, đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành trong trường hợp cần thiết.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện rà soát, kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm sản phẩm sữa trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.
6. Các Bộ: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, tăng cường các biện pháp quản lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm.
Ngày 16/4/2025, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh vừa phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, bắt giữ, khởi tố 14 bị can về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh”. Qua đó, lực lượng Công an phát hiện lập biên bản thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả. Lực lượng chức năng còn thu giữ các nguyên vật liệu, thiết bị phục vụ sản xuất thuốc giả. Các loại thuốc tân dược giả gồm: 44 hộp thuốc Tetracyclin; 40 hộp thuốc Clorocid; 49 hộp thuốc Pharcoter; 52 hộp thuốc Neo-Codion; 1.232 hộp nhức khớp tê bại hoàn; 4.122 hộp Tui Hua Shen Jing Tong; 2.285 hộp Trùng thảo sâm nhung bổ tỳ khai vị đại bổ hoàn; 1.923 hộp Profeessor’s Pill (thường gọi là khớp xanh); 5.172 hộp Mujarhabat Kapsul; 2.017 hộp thuốc Gai cốt hoàn; 930 hộp thuốc Tọa cốt thiên ma thống phong hoàn; 6.612 hộp thuốc Tuyết liên thiên ma bảo khớp hoàn; 1.014 hộp thuốc Phong tê nhức Bạch Xà Vương; 4.743 hộp thuốc Phong tê nhức Hổ Cốt Hoàn; 845 hộp thuốc đa xoang mũi; 4.012 hộp thuốc Viên vai cổ; 2.413 hộp thuốc Yuan Bone; 834 hộp thuốc thoái cốt hoàn plus; 515 hộp thuốc thoái hóa nhức khớp hoàn plus; 657 hộp thuốc thoái hóa tọa cốt đơn. Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận từ năm 2021 đến khi bị bắt, nhóm lừa đảo này đã bán ra thị trường số lượng thuốc giả rất lớn, số tiền thu lời bất chính ước tính gần 200 tỷ đồng. |
Chiều 17/4/2025, TS. Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) có cuộc trao đổi với báo chí về công tác đấu tranh phòng, chống thuốc giả liên quan đến việc Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, bắt giữ 14 đối tượng về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh. Với vụ việc trên, liệu có lỗ hổng nào trong công tác quản lý không, thưa ông? Hiện nay, công tác quản lý thuốc và phòng chống thuốc giả đang triển khai như thế nào? Theo TS Tạ Mạnh Hùng: Hàng năm, Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Viện kiểm nghiệm thuốc TPHCM đều căn cứ vào tình hình thực tiễn về vi phạm chất lượng thuốc, diễn biến thị trường, kiểm tra giám sát chất lượng thuốc trên thị trường, để lập kế hoạch lấy mẫu, triển khai thực hiện kiểm nghiệm trong năm. Các kế hoạch này tập trung vào các nhóm thuốc có nguy cơ cao làm giả, thuốc có nhu cầu sử dụng lớn, thuốc có nhiều khả năng biến đổi chất lượng trong quá trình lưu thông trên thị trường. Kế hoạch được xây dựng dựa trên các bộ nguyên tắc, đánh giá rất chi tiết, cụ thể. Sau đó, các đơn vị, trung tâm kiểm nghiệm của các tỉnh, thành phối hợp các viện kiểm nghiệm để triển khai lấy mẫu, xét nghiệm. Mỗi năm, hệ thống các đơn vị lấy khoảng 38.000-40.000 mẫu thuốc đang lưu hành trên thị trường để kiểm tra, giám sát chất lượng. Theo báo cáo, trong số các thuốc được lấy mẫu, tỉ lệ thuốc không đạt chất lượng là dưới 1%, thuốc giả dưới 0,1%. Tại Luật Dược cũng quy định, thuốc được chia thành nhiều loại, trong đó có vaccine và sinh phẩm. Đối với vaccine và sinh phẩm, 100% các lô đều phải được kiểm tra, đánh giá, kiểm định đạt tiêu chuẩn chất lượng trước khi xuất xưởng. Đối với các thuốc biệt dược, hoá dược, thử nghiệm, cổ truyền… việc kiểm soát được thực hiện theo nguy cơ, lấy mẫu để đánh giá, giám sát, kiểm tra chất lượng. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền còn tập trung thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro, xác suất, lấy mẫu đối với các thuốc có nguy cơ làm giả cao, không đảm bảo chất lượng khi lưu hành. Sau vụ việc này, là cơ quan quản lý, Cục Quản lý dược sẽ có giải pháp nào để phối hợp ngăn chặn hiệu quả hơn trong công tác phòng chống thuốc giả, thưa ông? TS Tạ Mạnh Hùng: Công tác đấu tranh phòng chống thuốc giả là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Y tế nhưng rất cần sự phối hợp của rất nhiều bộ, ban ngành trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc thì mới đạt hiệu quả. Riêng trong vụ việc cụ thể như lần này và một số vụ việc trước đây, chúng tôi nhận thấy rằng, các thuốc giả chủ yếu được bán qua mạng và các kênh phân phối nhỏ lẻ. Theo quy định, thuốc phải được cấp giấy đăng ký lưu hành thì mới được lưu hành trên thị trường. Thông tin này được công khai trên Cổng dịch vụ công tại địa chỉ: https://dichvucong.dav.gov.vn/congbothuoc. Người dân và doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin để biết được sản phẩm thuốc đã được cấp phép lưu hành hay chưa. Việc tra cứu này rất dễ dàng. Ví dụ, 17 loại sản phẩm giả vừa được Công an tỉnh Thanh Hoá phát hiện đều không có thông tin trên Cổng dịch vụ công tại địa chỉ trên. 4 loại thuốc giả tân dược có cùng tên thuốc đã đăng ký lưu hành nhưng không cùng địa chỉ, số lô… Các thuốc đều được cấp phép an toàn, hiệu quả thì mới lưu hành. Trong quá trình lưu hành thì Bộ Y tế, thanh tra Bộ Y tế, Sở Y tế, Thanh tra Sở đều có những cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và thanh, kiểm tra đột xuất khi có phản ánh để xử lý kịp thời. Tôi xin nhấn mạnh, nếu như các đơn vị làm đúng theo quy định hiện hành, mua bán thuốc đúng đối tượng, đúng cơ sở có điều kiện kinh doanh và có hoá đơn, chứng từ thì chắc chắn sẽ không có thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xâm nhập. |
Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm vụ thuốc giả, thực phẩm chức năng giả
Trước tình hình đáng báo động về sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và thực phẩm bảo vệ sức khỏe kéo dài nhiều năm, đặc biệt là vụ việc vừa được phát hiện tại Thanh Hóa, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Công điện gửi các Bộ trưởng: Công an, Y tế, Công Thương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Vừa qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe xảy ra tại tỉnh Thanh Hóa và một số địa phương; đáng lưu ý là hoạt động sản xuất, buôn bán các loại hàng giả này đã kéo dài nhiều năm, đặc biệt là hàng chục loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được sản xuất, đưa vào lưu thông.
Thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là loại hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân. Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, nhất là bảo đảm chất lượng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt là thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Bộ Y tế:
a) Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc điều tra, xử lý vụ việc buôn bán hàng giả nêu trên. Chỉ đạo các địa phương thực hiện ngay việc rà soát, thu hồi các loại thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được phát hiện, kịp thời ngăn chặn và giảm thiểu tác hại của việc sử dụng thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
b) Phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát, phòng chống thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả lưu thông trên thị trường.
c) Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về dược, an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nhất là tại các địa bàn trọng điểm. Tăng cường các biện pháp quản lý cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc gắn với yêu cầu kết nối cơ sở cung ứng thuốc; chỉ được mua bán các loại thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành, có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ đúng quy định; thực hiện việc bán thuốc theo đơn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
d) Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý của các cơ quan liên quan và chính quyền các địa phương đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, bán buôn, bán lẻ thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
đ) Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông về nguy cơ, tác hại của việc sử dụng thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, không rõ nguồn gốc; thúc đẩy hoạt động mua bán thuốc theo đơn và sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.
2. Bộ Công an:
a) Tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm đưa ra kết luận về vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả nêu trên; xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
b) Chỉ đạo công an các cấp tăng cường nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
3. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, các cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường các biện pháp quản lý thị trường nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả. Tiếp tục thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn, thu hồi các loại thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.
![]() Vấn nạn sữa giả gây mất niềm tin vào thị trường cũng khiến người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm nội địa, ảnh hưởng ... |
![]() Thị trường sữa Việt Nam đang không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng, mối quan hệ giữa Nhà nước - doanh nghiệp ... |