Thạc sỹ Mai Lan Hương (đứng) giảng bài tại lớp tập huấn |
Dự án khuyến nông Trung ương giai đoạn 2022-2024 “Chăn nuôi gà thịt bản địa hướng theo hữu cơ và chứng nhận OCOP gắn với tiêu thụ sản phẩm” đã được Trung tâm nghiên cứu chuyển giao và dịch vụ công nghệ sinh học hữu cơ (thuộc Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam) thực hiện từ tháng 5/2022.
Mô hình đầu tiên được Bio TCORTS thực hiện tại HTX Yên Hoà Phú, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội từ tháng 5/2022 với 3 hộ tham gia, mỗi hộ 2.000 con.
Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và quyết tâm của các hộ, mô hình tại HTX Yên Hoà Phú đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng 17% so với cách chăn nuôi trước đây (tăng 9,2 triệu VNĐ/1000 gà). Đặc biệt, nhờ nuôi theo phương pháp do Trung tâm Bio TCORTS hướng dẫn, môi trường chăn nuôi được cải thiện khi không có mùi hôi, thoáng, sạch sẽ, khô ráo, chân đi vào không lấm bẩn. Trong suốt quá trình nuôi không dùng kháng sinh, dịch bệnh ít xảy ra, gà khoẻ mạnh, tỉ lệ nuôi sống trên 95%.
Tiếp nối dự án, trong năm 2023, Bio TCORTS triển khai 2 mô hình tại tại HTX Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì, xã Thuỵ An, huyện Ba Vì, Hà Nội và HTX gà đồi hữu cơ Tân Phú, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên từ tháng 5/2023.
Sau 3 tháng 2 mô hình được triển khai, vừa qua Bio TCORTS đã tổ chức lớp tập huấn cho bà con nông dân tại tại HTX Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì, xã Thuỵ An, huyện Ba Vì, Hà Nội với sự tham gia của chính quyền các cấp tại địa phương và bà con nông dân.
Các học viên đưa ra những câu hỏi, thắc mắc tại lớp tập huấn |
Thạc sỹ Mai Lan Hương, chủ nhiệm đề tài đã có một bài giảng vô cùng thú vị, súc tích để truyền tải những thông tin hữu dụng đến các học viên. Từ việc tại sao cần phải nuôi gà hướng theo hữu cơ đến các kỹ thuật nuôi gà theo quy trình để đạt năng suất, chất lượng cao nhất, đồng thời bảo vệ môi trường.
Nói có sách mách có chứng, Thạc sỹ Mai Lan Hương đưa thành công của mô hình tại HTX Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì, xã Thuỵ An, huyện Ba Vì, Hà Nội để các học viên thấy được sự hiệu quả của mô hình đem lại.
Thạc sỹ Mai Lan Hương cũng mời ông Chu Văn Nguyên, một thành viên của HTX Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì, xã Thuỵ An, huyện Ba Vì, Hà Nội, người đã tham gia mô hình từ tháng 5/2023 với quy mô 3200 con, và ông Nguyễn Văn Tuyên, Chủ nhiệm HTX gà đồi hữu cơ Tân Phú, người cùng với vợ là bà Nguyễn Thị Tâm cũng tham gia mô hình từ tháng 5/2023 phát biểu.
Ông Chu Văn Nguyên (đứng), thành viên của HTX Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì, xã Thuỵ An, huyện Ba Vì, Hà Nội, người đang thực hiện mô hình “Chăn nuôi gà thịt bản địa hướng theo hữu cơ và chứng nhận OCOP gắn với tiêu thụ sản phẩm” chia sẻ những ưu điểm của mô hình với các học viên của lớp tập huấn |
Theo ông Nguyên và ông Tuyên, việc nuôi gà bản địa hướng theo hữu cơ dùng chế phẩm sinh học, đệm lót sinh học giúp chuồng gà không có mùi hôi, khô ráo, thoáng mát. Dùng đệm lót sinh học không cần phải dọn, vì thế đã giúp giảm công lao động. Thậm chí, khi cần có để dùng đệm lót sinh học làm phân hữu cơ bón cho cây trồng.
Ngoài ra, nuôi gà theo đúng kỹ thuật giúp gà khoẻ mạnh, sinh trưởng phát triển tốt, tỉ lệ gà sống trên 95%, lượng thức ăn giảm do gà tiêu hoá thức ăn tốt nhờ chế phẩm sinh học.
Ông Chu Xuân Cừ, Phó Chủ tịch HND huyện Ba Vì đánh giá cao những ưu điểm của dự án “Chăn nuôi gà thịt bản địa hướng theo hữu cơ và chứng nhận OCOP gắn với tiêu thụ sản phẩm" |
Tuy nhiên, có một vấn đề các học viên và người nuôi gà luôn thấp thỏm lo âu, đó chính là giá cả bấp bênh và đầu ra. Để giải quyết vấn đề này, Thạc sỹ Mai Lan Hương đã mời ông Lại Châu Quang, Giám đốc Công ty TNHH Cổng thông tin số để đưa ra giải pháp cho bà con.
Trong rất nhiều giải pháp được ông Lại Châu Quang đưa ra, để có lợi nhuận tối đa, bà con cần phải tăng doanh thu và giảm chi phí ở mức thấp nhấp, đồng thời tuân thủ quy trình, kỹ thuật nuôi gà.
Nhưng để bán được hàng có rất nhiều vấn đề. Các HTX cần phải xây dựng các kênh bán hàng thương mại điện tử, online qua các nền tảng mạng xã hội. Đồng thời để bán được với giá cao, sản phẩm phải có bao bì, nhãn mác bắt mắt, có chứng nhận (hữu cơ, OCOP…) mới thuyết phục được khách hàng móc ví.
Quy trình nuôi gà cũng cần được quản lý bằng công nghệ số để nông dân nắm được đầu vào, đầu ra. Tất cả giống như một cuốn nhật ký để kiểm soát được việc gà có được nuôi đúng quy trình hay không nhằm đảm bảo chất lượng cũng như hiệu quả kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch HND xã Thuỵ An, Giám đốc HTX Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì rất tâm đắc với bài giảng của Thạc sỹ Mai Lan Hương và Giám đốc Lại Châu Quang. Theo ông Tài, để thoát nghèo ông và các hội viên cần phải có lối đi riêng, phải nâng cấp đàn gà của mình để cải thiện đời sống. Đồng thời phải hành động ngay, nhất là khi có được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền cũng như Trung tâm Bio TCORTS.
Sau khi buổi tập huấn trên lớp kết thúc, các học viên đã chuyến thăm trang trại gà của ông Chu Văn Nguyên. Tại đây, các học viên đã được mục sở thị đàn gà 3200 con của ông Nguyên với 3 tháng tuổi đạt trọng lượng khoảng 1,9kg đối với gà trống và 1,6kg đối với gà mái đã có thể xuất chuồng.
Đàn gà khoẻ mạnh, được nuôi bán chăn thả trên diện tích khoảng 1ha của gia đình. Tại đây, bà con thấy được chuồng trại khô ráo, không có mùi.
Buổi tập huấn kết thúc trong sự phấn khởi của các học viên. Tất nhiên, vẫn còn đó những nỗi lo về giá thức ăn chăn nuôi còn cao, giá gà thị trường bấp bênh, nhưng nếu vẫn đi theo tư duy, lối mòn cũ, cái nghèo sẽ vẫn còn theo đuổi người nông dân…
Đàn gà của ông Chu Văn Nguyên sau 3 tháng nuôi hướng theo hữu cơ và chứng nhận OCOP sinh trưởng, phát triển tốt |