Đất soi bãi ven sông Cầu có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh minh họa. |
Những bãi soi ven sông Cầu, trải dài qua nhiều huyện, thành phố của tỉnh Thái Nguyên, đang chuyển đổi mạnh từ những vùng đất trồng cây lương thực truyền thống, nơi đây đang vươn mình trở thành điểm sáng trong phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả cao.
Tại Minh Lập (Đồng Hỷ), 30ha đất soi bãi trước đây trồng ngô, sắn nay đã được thay thế bằng những vườn chè lai F1 theo hướng hữu cơ. Mô hình này không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người dân, khoảng 40 triệu đồng/lứa với 8 lứa thu hoạch mỗi năm, mà còn tạo nên cảnh quan xanh mát, thu hút khách du lịch trải nghiệm, mở ra hướng đi mới cho kinh tế địa phương.
Không kém cạnh, Bảo Lý (Phú Bình) cũng tận dụng 50ha đất soi bãi để luân canh tăng vụ, trồng đa dạng các loại cây ngắn ngày và cỏ voi. Nhờ đó, giá trị sản phẩm trồng trọt trên 1ha đất nông nghiệp đã đạt trên 120 triệu đồng vào năm 2023, cho thấy hiệu quả vượt trội của mô hình này.
Xu hướng chung của các địa phương ven sông Cầu là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên đất soi bãi. Xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên) và phường Tiên Phong (TP. Phổ Yên) là những điển hình, với việc đầu tư nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tự động.
Đất soi bãi ven sông Cầu có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhờ diện tích rộng, bằng phẳng, thuận lợi cho cơ giới hóa. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng này, cần có sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng, chuyển giao công nghệ và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ.
Bình Tân: Biến mùa lũ thành "mùa vàng" |
Hà Nội hướng tới ứng dụng công nghệ số phát triển nông nghiệp |
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nông nghiệp |