Tỉnh Bình Thuận đã bảo hộ thành công 8 nhãn hiệu nông sản trên thị trường quốc tế - Ảnh minh họa. |
Năm 2024, tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên lĩnh vực ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tập trung xây dựng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, như mô hình phục tráng giống lúa Mẹ và canh tác hữu cơ, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm OCOP. Đến nay đã có 5 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể, 3 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng được triển khai rộng rãi. Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đã thực hiện 19 mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, trong đó có nhiều mô hình như nuôi ếch thương phẩm, trồng rau thủy canh, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, trồng tre lấy măng... Các mô hình này đã chứng minh hiệu quả trong việc nâng cao năng suất và thu nhập cho người dân, với tỷ lệ ứng dụng thành công đạt khoảng 70%.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ. Ngành chức năng đã xúc tiến hỗ trợ nhiều sản phẩm duy trì hiệu lực chỉ dẫn địa lý như Thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản, đồng thời tạo điều kiện cho các hợp tác xã sử dụng địa danh để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Tính đến nay, tỉnh đã có 8 nhãn hiệu chứng nhận được bảo hộ tại 8 quốc gia.
Năm 2025, ngành chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, tỉnh sẽ đẩy mạnh triển khai cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ gắn với doanh nghiệp và phát triển theo chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của địa phương. Mục tiêu là nâng tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến lên 15%, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song việc ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất vẫn còn nhiều thách thức. Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận nhận định rằng sức lan tỏa của các mô hình còn chậm, kết quả ứng dụng chưa rộng rãi.
Để khắc phục tình trạng này, tỉnh kiến nghị các ngành, địa phương cần quan tâm hơn trong việc xác định nhu cầu ứng dụng công nghệ phù hợp với thực tế địa phương. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật, đặc biệt là phát huy vai trò của kinh tế tập thể trong quá trình này.
Với sự quan tâm và đầu tư đúng mức, Bình Thuận có thể khai thác tối đa tiềm năng của khoa học công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể và nâng cao đời sống cho người dân.
Bứt phá phát triển nông nghiệp hữu cơ |
Hà Nội hướng tới ứng dụng công nghệ số phát triển nông nghiệp |
Nông nghiệp hữu cơ nổi bật trong tuần từ ngày 16/9 - 22/9 |