Việc chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung với công nghệ lạc hậu, không hiệu quả kinh tế, gây ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ môi trường, loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, năng lượng, nâng cao hiệu quả lao động, cải thiện kinh tế của địa phương |
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Lắk, có 116 cơ sở sản xuất gạch bằng đất sét nung. Trong đó, có 111 cơ sở đang hoạt động, 05 cơ sở đã dừng hoạt động, cụ thể là: Krông Ana 59 cơ sở, Krông Pắk 47 cơ sở, Ea Kar 06 cơ sở, M'Drắk 01 cơ sở, Ea Súp 03 cơ sở. Chỉ có 03 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung đang hoạt động, đáp ứng các quy định tại Phụ lục số 01 kèm theo Quyết định số 897, số lượng các cơ sở không đáp ứng là 109 cơ sở.
UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung với công nghệ lạc hậu (lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nguyên liệu hoá thạch (than, dầu, khí), lò vòng, lò vòng cải tiến, không sử dụng nhiên liệu hoá thạch mà sử dụng phế liệu ngành nông nghiệp...), không hiệu quả kinh tế, gây ô nhiễm môi trường theo đúng lộ trình quy định tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản có liên quan của Bộ Xây dựng và UBND tỉnh, nhằm góp phần bảo vệ môi trường, loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, năng lượng, nâng cao hiệu quả lao động, cải thiện kinh tế của địa phương.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng khuyến khích áp dụng công nghệ hiện đại, mức độ tự động hóa cao, tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính trong các dây chuyền mới sản xuất vật liệu xây dựng. Hạn chế tối đa lượng khí thải, giữ gìn môi trường trong sạch hơn.
Mục tiêu của tỉnh Đắk Lắk là đến ngày 31/12/2025, 100% các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung với công nghệ lạc hậu, không hiệu quả kinh tế, gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nguyên liệu hoá thạch (than, dầu, khí), lò vòng, lò vòng cải tiến, không sử dụng nhiên liệu hoá thạch mà sử dụng phế liệu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phải thực hiện xong việc chuyển đổi công nghệ hoặc chuyển đổi mục đích đầu tư thành các cơ sở có công nghệ tiên tiến, có mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao, nhằm tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng đáp ứng các chỉ tiêu về công nghệ và môi trường hoặc buộc phải chấm dứt hoạt động.
Sau ngày 31/12/2025, nếu các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung không thực hiện đúng cam kết sẽ bị cưỡng chế theo quy định |
Đồng thời, các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung này phải chấp hành nghiêm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng đất sét để làm nguyên liệu sản xuất. Cam kết chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung không đáp ứng các quy định hoặc chuyển đổi công nghệ theo lộ trình quy định. Sau ngày 31/12/2025, nếu các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung không thực hiện đúng cam kết sẽ bị cưỡng chế theo quy định.
Nhằm thực hiện tốt kế hoạch và hỗ trợ các cơ sở sản xuất sau khi áp dụng phương thức làm việc mới, UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ ban hành các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, như: Hỗ trợ đào tạo khởi sự kinh doanh và quản trị kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp sáng tạo, thành lập mới;
Hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc; Hỗ trợ ứng dụng đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất; hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2025;
Hỗ trợ cho vay ưu đãi và hỗ trợ lãi vay vốn; Hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo nghề; Hỗ trợ theo Chương trình khuyến công tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025; Và chính sách đối với người lao động (sau khi các cơ sở dừng hoạt động): Hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo nghề theo quy định tại Quyết định số 23/2023/QĐ-UBND ngày 25/7/2023 của UBND tỉnh về Quy định mức hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Kế hoạch của UBND tỉnh Đắk Lắk, chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung với công nghệ lạc hậu, không hiệu quả kinh tế, gây ô nhiễm môi trường hướng đến việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm nhiên liệu và nâng cao hiệu suất làm việc, góp phần thiết thực vào việc nâng cao đời sống nhân dân, cơ hội học nghề nghiệp mới, mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp, phát triển kinh tế địa phương./.