Kết quả đến cuối năm 2024, huyện Châu Phú có 8 sản phẩm OCOP còn thời hạn - Ảnh minh họa. |
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của OCOP trong phát triển kinh tế nông thôn, huyện Châu Phú đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. UBND huyện ban hành kế hoạch, chỉ đạo các ngành chuyên môn hướng dẫn nông dân xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực, truyền thống, đồng thời tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh cho các chủ thể tham gia OCOP.
Huyện cũng chú trọng hỗ trợ các chủ thể sản xuất hoàn thiện sản phẩm, từ đăng ký kinh doanh, truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ đến cải tiến mẫu mã, bao bì. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường vào sản xuất cũng được quan tâm, nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn OCOP.
Kết quả đến cuối năm 2024, huyện Châu Phú có 8 sản phẩm OCOP còn thời hạn, bao gồm: Nước mắm cá linh Bà Ba Vui, khô cá tra phồng Phương Giàu, khô ếch một nắng Hợp tác xã Khánh Hòa, nhãn xuồng Khánh Hòa, mật ong Cẩm Tú, rượu đinh lăng Ngọc Hân, mít sấy, củ quả sấy Đại Phát.
Trong đó, nhãn xuồng Khánh Hòa là sản phẩm tiêu biểu, được công nhận OCOP 3 sao từ sớm. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, nhãn xuồng Khánh Hòa đã khẳng định được vị thế trên thị trường, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Một điển hình khác là rượu đinh lăng Ngọc Hân, sản phẩm được phát triển từ nghề ngâm rượu truyền thống, kết hợp với quy trình sản xuất hiện đại, đã có mặt trên thị trường và được người tiêu dùng tin tưởng.
Thời gian tới, huyện Châu Phú tiếp tục đẩy mạnh OCOP theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa chủng loại, mở rộng thị trường tiêu thụ. Các hoạt động hỗ trợ tái chứng nhận, phân hạng sản phẩm, quảng bá trên các sàn thương mại điện tử sẽ được tăng cường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn bền vững.
Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về OCOP, đồng thời thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.