Người chăn nuôi tận dụng nguồn nước sông, suối tự nhiên nuôi vịt siêu trứng cho hiệu quả kinh tế. |
Hiệu quả từ các mô hình chăn nuôi
Trong bối cảnh nhu cầu thực phẩm tăng cao, tỉnh Cao Bằng tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm phát triển ngành chăn nuôi, đặc biệt là gia cầm. Nhờ các chương trình hỗ trợ từ chính quyền địa phương và sự nỗ lực của các hộ chăn nuôi, tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hiện có hơn 3 triệu con, cung cấp khoảng 3.000 tấn thịt gia cầm mỗi năm. Tại các xã, nhiều hộ chăn nuôi đã chủ động tái đàn, tăng đàn, đồng thời áp dụng các kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai chặt chẽ, bảo vệ đàn gia cầm khỏi các dịch bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, tụ huyết trùng, bệnh phân trắng.
Bà Trần Thị Chung, xóm Đoàn Kết, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An xây dựng trang trại tổng hợp kết hợp chăn nuôi và trồng trọt. Hiện, bà nuôi 140 con lợn, trong đó 20 con lợn nái tự sản xuất giống, 30 con lợn thịt đang chờ xuất chuồng, trọng lượng 1,2 - 1,4 tạ/con, 70 con còn lại chuẩn bị bán dịp Tết Nguyên đán. Gần đây, bà xuất 40 con lợn siêu nạc, giá 65.000 đồng/kg, thu hơn 300 triệu đồng. Đàn gà ri 600 con của bà Chung cũng góp phần không nhỏ vào thu nhập gia đình. Lúc cao điểm, bà thu hoạch 300 quả trứng mỗi ngày, bán cho các tư thương với giá cao hơn thị trường miền xuôi. “Tôi tự làm thức ăn ủ men cho gà từ đỗ tương, rau nên trứng gà thơm ngon hơn, bán được giá”. Bà Chung chia sẻ.
Gia đình anh Hoàng Văn Khoa, xóm 4, xã ChuTrinh, thành phố Cao Bằng là một trong những điển hình về phát triển chăn nuôi gia cầm quy mô lớn. Nhờ tham gia các lớp tập huấn và hỗ trợ kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, anh đã mở rộng quy mô chăn nuôi gà lên 1.000 - 4.000 con/lứa, đạt thu nhập trung bình trên 150 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Anh Khoa chia sẻ, để chăn nuôi hiệu quả, gia đình tôi nhập giống từ các trung tâm uy tín, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm và Newcatson. Áp dụng kỹ thuật nuôi nhốt kết hợp chăn thả, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, giúp đàn gà phát triển khỏe mạnh, chất lượng thịt đạt chuẩn.
Không chỉ chăn nuôi gà, nhiều hộ dân xã Chu Trình tận dụng lợi thế tự nhiên để phát triển các mô hình chăn nuôi khác. Gia đình chị Hoàng Thị Nội, xóm 3 đầu tư nuôi 400 con vịt đẻ trứng, thu 260 - 300 quả trứng/ngày.
Nhờ áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học và tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như ngô, cám, chuối, ốc bươu vàng, sản phẩm trứng của gia đình chị đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao năm 2023. Trứng được bán tại siêu thị và các cửa hàng trong tỉnh, được người tiêu dùng đánh giá cao nhờ chất lượng vượt trội.
"Tôi đã tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi vịt đẻ trứng, từ việc chọn giống, thiết kế chuồng trại đến chăm sóc vịt ở các giai đoạn sinh trưởng. Nhờ đó, đàn vịt của tôi luôn khỏe mạnh, khai thác tối đa năng suất trứng, mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho gia đình”. Chị Nội cho biết.
Bà Trần Thị Chung, xóm Đoàn Kết, xã Hoàng Tung, huyện Hoà An nuôi 600 con gà ri đẻ trứng, thu 300 quả trứng mỗi ngày. |
Hỗ trợ và định hướng từ chính quyền địa phương
Theo bà Đoàn Thị Thuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh Cao Bằng, ngành chăn nuôi gia cầm của tỉnh chú trọng phát triển theo hướng an toàn, bền vững. Tỉnh đã triển khai các biện pháp như, tăng cường tiêm phòng đại trà cho đàn gia cầm; giám sát dịch bệnh, khoanh vùng, xử lý ngay khi có dấu hiệu phát dịch; quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ, bảo đảm an toàn thực phẩm; đẩy mạnh các chương trình đào tạo, tập huấn cho người chăn nuôi, giúp họ chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô hàng hóa.
Ông Nguyễn Sinh Cung, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Cao Bằng, nhấn mạnh, Hội làm vườn tỉnh Cao Bằng hướng dẫn người dân áp dụng các kỹ thuật hiện đại nhằm nâng cao năng suất, giảm thiểu chi phí đầu vào, tăng thu nhập cho người chăn nuôi,
Theo Kế hoạch số 1548/KH-UBND của UBND tỉnh Cao Bằng về phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh đạt hơn 3,1 triệu con vào năm 2025, đến năm 2030 sẽ phát triển khoảng 30 cơ sở chăn nuôi trang trại, với 15% tổng đàn gia cầm được nuôi theo mô hình trang trại. Mục tiêu chung là cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Với sự hỗ trợ tích cực từ các chương trình mục tiêu quốc gia và sự nỗ lực của người dân, chăn nuôi gia cầm tại Cao Bằng đảm bảo nguồn cung thực phẩm chất lượng, đóng góp nguồn lực quan trọng tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn Cao Bằng.