40% diện tích trồng sầu riêng chưa được cấp mã số vùng trồng, gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc - Ảnh minh họa. |
Thị trường sầu riêng Trung Quốc với quy mô khổng lồ đang là đích đến hấp dẫn của nhiều quốc gia xuất khẩu trái cây, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, con đường chinh phục thị trường tỷ dân này không trải đầy hoa hồng. Sầu riêng Việt Nam, dù sở hữu nhiều lợi thế về sản lượng và chất lượng, vẫn đang loay hoay tìm cách vượt qua những rào cản kỹ thuật khắt khe.
Việc nhiều lô hàng sầu riêng bị trả lại do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng vượt ngưỡng cho phép đã phơi bày những tồn tại trong quy trình sản xuất và quản lý chất lượng sầu riêng. Theo thống kê, 40% diện tích trồng sầu riêng chưa được cấp mã số vùng trồng, gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học vẫn còn phổ biến, xuất phát từ tâm lý chạy theo năng suất và lợi nhuận của một bộ phận người nông dân.
Một điểm nghẽn khác là sự khan hiếm các chế phẩm xử lý chín trái cây an toàn, được phép sử dụng. Nông dân buộc phải tìm đến các loại thuốc không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn thực phẩm.
Những yếu kém này không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp, người nông dân mà còn ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu sầu riêng Việt Nam. Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng quan tâm đến chất lượng và an toàn thực phẩm, sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm đạt chuẩn.
Để sầu riêng Việt Nam thực sự "bén rễ" tại thị trường Trung Quốc, mỗi mắt xích trong chuỗi sản xuất, từ người nông dân, doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình. Từ chuyển đổi tư duy sản xuất, hướng đến canh tác hiệu quả, ưu tiên chất lượng hơn số lượng. Cùng với đó, cần đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực quản lý, xây dựng thương hiệu uy tín. Cải thiện khung pháp lý, tăng cường kiểm soát chất lượng, hỗ trợ người nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật.
Gạo Ấn Độ trở lại "đe dọa" thị phần gạo Việt |
Giá cà phê tăng kỷ lục, xuất khẩu vượt mốc 4,4 tỷ USD |
Xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc sắp "kết thúc" |