Nhìn vào mẫu mã, bao bì của sản phẩm hạt điều đang bán chạy nhất trên Amazon Hoa Kỳ, khó có thể tin đây là sản phẩm đến từ thương hiệu Lafooco của Việt Nam |
Nông sản Việt trên sàn TMĐT Quốc tế - có thật sự tìm đầu ra?
Để đáp ứng những tiêu chuẩn đầu vào khắt khe của các nước phát triển như Hoa Kỳ, Australia hay các nước EU, sản phẩm nông sản (và các sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng khác) phải đáp ứng nhiều yếu tố vô cùng khắt khe. Các chứng nhận như Nông nghiệp hữu cơ hay thực phẩm sạch, chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu… cần được doanh nghiệp chuẩn bị chuyên nghiệp và đầy đủ. Đây cũng là rào cản lớn đối với những doanh nghiệp nhỏ hay start up khi còn thiếu kinh nghiệm thương mại quốc tế và tiềm lực tài chính để kiểm định và xin cấp phép các chứng nhận đòi hỏi chuyên gia và đội ngũ tư vấn có thâm niên.
Hơn nữa, hoạt động thương mại ở một môi trường kinh doanh hoàn toàn khác biệt và có tiêu chuẩn người dùng cao hơn hẳn thị trường nội địa, buộc các doanh nghiệp phải nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng để cho ra mắt sản phẩm phù hợp nhu cầu, thị hiếu, thậm chí cả thẩm mỹ và ngôn ngữ. Không thể phủ nhận, bằng nhiệt huyết và tính hội nhập cao, các doanh nghiệp, start-up nông sản Việt trong thời gian qua, mà chiếm số lượng lớn là các bạn trẻ Gen Z (những bạn trẻ sinh năm 1995-2012) với khả năng tin học và ngoại ngữ tốt đã thể hiện rất ấn tượng trên “đấu trường” quốc tế. Mẫu mã sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất hiện trên các nền tảng thương mại điện tử lớn được hoàn thiện chỉn chu và bắt kịp xu hướng trên toàn cầu. Để so sánh với các sản phẩm cùng loại khác, khó có thể nói sản phẩm của chúng ta thiếu sức cạnh tranh về tính chuyên nghiệp, chưa nói tới chất lượng sản phẩm thực tế.
Bên cạnh một vài thương hiệu nông sản nổi bật do có sức cạnh tranh cao, hoặc do đặc thù thổ nhưỡng, khí hậu nóng ẩm khiến sản phẩm nông sản chỉ có thể canh tác tại Việt Nam hoặc lãnh thổ có tính chất địa lý tương tự như xoài, chuối, sầu riêng… đa phần những sản phẩm nông sản của Việt Nam chưa thật sự thành công về mặt thương mại trên sân chơi quốc tế. Do sự phức tạp trong khâu xin cấp phép các chứng nhận cần thiết như chứng nhận hữu cơ Hoa Kỳ - USDA, hay chi phí vận chuyển, lưu kho… khi hoạt động tại các nước phát triển tương đối tốn kém, sản phẩm nông sản Việt trên các sàn thương mại điện tử lớn là rất cao, có thể gấp 2-3 lần sản phẩm cùng loại do chính doanh nghiệp kinh doanh tại thị trường nội địa. Tất nhiên, tại các nước phát triển, do thu nhập và tiêu chuẩn cao hơn, khách hàng có thể chấp nhận mức giá này cho các sản phẩm chất lượng, tuy nhiên, để gây dựng thương hiệu bền vững, ổn định và phát triển trong tương lai, các doanh nghiệp, start-up vẫn cần những cú hích khác mang tính bước ngoặt như liên tục đổi mới và hoàn thiện sản phẩm (R&D), marketing hay tích cực tham gia các sự kiện hội chợ lớn trên toàn cầu. Phần lớn hoạt động thương mại nông sản vẫn đang dừng lại ở mức độ bán lẻ với số lượng thấp, mang lại phần doanh thu không đáng kể cho doanh nghiệp.
Số liệu bán hàng được ghi nhận từ tài khoản của một doanh nghiệp nông sản Việt Nam đang hoạt động trên sàn thương mại điện tử Amazon Hoa Kỳ |
Với doanh số bán hàng không quá ấn tượng, cộng hưởng với chi phí đầu tư cho giấy phép và hoạt động hậu cần như xuất nhập khẩu, vận chuyển, kho bãi… khó có thể nói các doanh nghiệp đang kỳ vọng vào sản lượng tiêu thụ tại thị trường các nước phát triển thông qua thương mại điện tử.
Theo nhận định của chuyên gia, nhiều khả năng các doanh nghiệp, start-up nông sản Việt chỉ đang tận dụng việc xây dựng thương hiệu và khả năng bán hàng tại thị trường nước ngoài để phục vụ công tác marketing cho sản phẩm, qua đó sử dụng hình ảnh để khai thác ngược lại thị trường nội địa vốn chịu tác động lớn bởi tư tưởng sính ngoại và đời sống kinh tế cũng đang ngày một tốt lên tại Việt Nam. Điều này không quá tiêu cực, xét trên bình diện hàng hóa của Việt nam đang chứng minh chất lượng tiệm cận với hàng hóa quốc tế, tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp chỉ mang tư duy cạnh tranh trên sân nhà mà không mạnh dạn đầu tư, phát triển với trọng tâm xuất khẩu, có lẽ con đường toàn cầu hóa sản phẩm của Việt Nam sẽ còn rất lâu mới “sáng cửa”.
Vẫn còn đó cơ hội cho start-up & doanh nghiệp nhỏ
Kỷ nguyên thương mại điện tử toàn cầu mở ra những cơ hội không thể phủ nhận cho các doanh nghiệp nhỏ và start-up – nơi những người trẻ đam mê công nghệ và thương mại quốc tế có thể nhanh chân tìm kiếm và năm bắt cơ hội. Sự phát triển dịch vụ logistic toàn cầu mang lại lợi thế cho những thương hiệu chưa thực sự mạnh mẽ về tài chính để có thể xuất khẩu hàng hóa ra thế giới, thay vì như trước đây, chỉ có những doanh nghiệp thật sự lớn mạnh mới có thể xuất khẩu hàng hóa với số lượng lớn, thông qua các kênh vận tải truyền thống như tàu biển, máy bay chuyên dụng.
Hoạt động ổn định trong lĩnh vực thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp nông sản đa dạng hóa kênh phân phối, cũng như nắm bắt tốt xu hướng thị trường, thị hiếu khách hàng và có dữ liệu đầu vào để cải tiến sản phẩm. Hoạt động chủ đạo trên nền tảng thương mại điện tử cũng giúp doanh nghiệp, start-up hạn chế sự phụ thuộc vào các ông lớn trong hoạt động phân phối, thương mại truyền thống như siêu thị, hội chợ… có chi phí cao và thường bị chèn ép do độc quyền, giúp tăng sức cạnh tranh và giảm thiểu chi phí.
Hoạt động thương mại đa kênh là giải pháp tối ưu cho các doanh nghiệp nhỏ, start-up cạnh tranh với các thương hiệu lớn, lâu đời trên thị trường |
Không thể phủ nhận rằng môi trường thương mại điện tử quốc tế và cả nội địa đang là cơ hội lớn dành cho các doanh nghiệp nông sản nhỏ hay start-up muốn vươn mình trở thành một tên tuổi có chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, đặc điểm của doanh nghiệp hoạt động sản xuất nông sản rất khác biệt so với những người làm thương mại thuần túy, đặc biệt là những người đặt trọng tâm kiếm lợi nhuận trên không gian mạng (MMO – making money online – khái niệm thường dùng để định danh những người kiếm tiền trực tuyến). Thông thường, những người làm MMO chỉ hướng tới lợi nhuận và tìm mọi biện pháp để gia tăng lợi nhuận, bất kể mặt hàng họ đang kinh doanh là gì. Nhóm đối tượng này cũng kinh doanh rất đa dạng về chủng loại hàng hóa, sản phẩm, miễn là đạt hiệu quả cao nhất về doanh thu và lợi nhuận. Các doanh nghiệp truyền thống như kinh doanh nông sản mang tính đặc thù cao và hoàn toàn khác biệt, thay vì chạy theo lợi nhuận ngắn hạn, cần xây dựng thương hiệu một cách bài bản, kiên nhẫn và duy trì chất lượng sản phẩm ổn định để phát triển trong thời gian dài, qua đó từng bước cải thiện vị trí của mình trên thị trường và sự trung thành của người tiêu dùng.
Còn quá sớm để nhận định tính khả thi của việc “đánh chiếm” thị trường nước ngoài, đặc biệt là các nước phát triển thông qua hình thức thương mại điện tử. Tuy nhiên, với những kết quả trước mắt, độ phủ của hàng hóa nông sản Việt Nam đối với khách hàng Âu – Mỹ đã được cải thiện một cách đáng kể. Tuy nhiên, tận dụng tốt làn song đổi mới trong xuất nhập khẩu và thương mại trong giai đoạn sắp tới, khi chính quyền của ông Donald Trump chắc chắn sẽ có những động thái gây áp lực không nhỏ lên hàng hóa Trung Quốc, sản phẩm nông sản chất lượng cao của Việt Nam chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội bứt phá!