Kinh tế tuần hoàn là mô hình hướng tới việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu chất thải và tác động tiêu cực đến môi trường - Ảnh minh họa. |
Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế bền vững. Kinh tế tuần hoàn là mô hình hướng tới việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu chất thải và tác động tiêu cực đến môi trường, được xem là xu hướng tất yếu để đạt được sự phát triển bền vững.
Kế hoạch hành động của Việt Nam đặt ra mục tiêu tổng quát là hình thành hệ thống sản xuất và tiêu dùng bền vững, tận dụng tối đa nguyên liệu, vật liệu, hạn chế chất thải và phát triển mạnh các mô hình kinh tế tuần hoàn. Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu giảm khai thác tài nguyên không tái tạo và tài nguyên nước, đồng thời tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu, vật liệu. Về tiết kiệm năng lượng, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp phấn đấu đạt 47%, đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 8-10%. Bên cạnh đó, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị cần đạt 95%, ở nông thôn đạt 80%, đồng thời giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt xuống dưới 50%.
Để đạt được những mục tiêu này, Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trước hết là nâng cao nhận thức cộng đồng về kinh tế tuần hoàn thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, lồng ghép nội dung giáo dục vào chương trình học. Thứ hai là hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua việc hỗ trợ thiết kế sinh thái, ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, phát triển thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ tuần hoàn. Cuối cùng là tăng cường quản lý chất thải, thúc đẩy tái chế, tái sử dụng.
Kế hoạch cũng xác định các ngành, lĩnh vực ưu tiên thực hiện kinh tế tuần hoàn, bao gồm nông nghiệp, năng lượng, khai thác khoáng sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, giao thông vận tải, dịch vụ du lịch, quản lý chất thải và phát triển đô thị.
Phú Yên là một trong những địa phương tiên phong trong việc triển khai kinh tế tuần hoàn với nhiều chương trình, kế hoạch về chuyển đổi xanh, tập trung vào các mô hình phân loại, tái chế rác thải, giảm thiểu sử dụng đồ nhựa. Tỉnh cũng đang cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất xanh, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Việc triển khai kinh tế tuần hoàn là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Với Kế hoạch hành động quốc gia, Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới một nền kinh tế xanh, sạch và hiệu quả.