Việt Nam được đánh giá có tiềm năng xuất khẩu thực phẩm Halal. |
Ngày 14/11/2024, tại hội thảo "Đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm thực phẩm Halal” do Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Giám đốc Marketing, Văn phòng Chứng nhận Halal cho biết: Để sản phẩm Halal của doanh nghiệp Việt có thể xuất khẩu sang các nước Hồi giáo, điều quan trọng hàng đầu là phải lựa chọn tổ chức chứng nhận Halal uy tín và được công nhận quốc tế.
Một số tổ chức chứng nhận Halal tại Việt Nam tuy có thể cung cấp dịch vụ chứng nhận, nhưng nếu không được công nhận bởi tổ chức quốc tế, chứng nhận của họ sẽ không có giá trị khi xuất khẩu vào nhiều nước Hồi giáo.
Tổ chức chứng nhận Halal có uy tín và được công nhận quốc tế sẽ giúp sản phẩm của doanh nghiệp không chỉ dễ dàng được chấp nhận tại các thị trường Hồi giáo, mà còn giúp tạo uy tín, nâng cao vị thế thương hiệu trên thị trường quốc tế. Còn chứng nhận Halal từ một tổ chức không uy tín có thể khiến sản phẩm của doanh nghiệp bị từ chối nhập khẩu, hoặc phải trải qua quá trình kiểm định bổ sung, gây lãng phí thời gian và chi phí.
Là một doanh nghiệp xuất khẩu thành công vào thị trường các nước Hồi giáo (Halal) nhiều năm nay, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định cho biết, trong những năm qua, xuất khẩu cá ngừ của công ty sang EU bị ảnh hưởng bởi thẻ vàng IUU, nên đơn vị đã đa dạng hóa thị trường, chuyển hướng XK sang các thị trường Halal, với đơn hàng ngày một tăng. “Hiện sản phẩm của chúng tôi đã đáp ứng các tiêu chuẩn, đạt chứng nhận Halal và chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, đang được đẩy mạnh XK sang thị trường Trung Đông, đặc biệt các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE)”, bà Lan chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của bà Lan, để vào thị trường Halal buộc phải có chứng nhận Halal. Các nước hồi giáo chiếm 1/3 dân số thế giới. Người Hồi giáo sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm xanh, sạch, đạt chứng nhận Halal. Các doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chí này để XK bền vững.
Cục Xúc tiến thương mại cho biết, thị trường Hồi giáo hiện có khoảng trên 2 tỷ người, chiếm khoảng 25% tổng dân số toàn cầu. Đặc biệt, người dân theo đạo Hồi chiếm số đông ở khu vực Châu Á, nhất là trong khối ASEAN.
Những năm qua, nhu cầu đối với các sản phẩm Halal ngày càng gia tăng và đang trở thành xu hướng toàn cầu. Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), chi tiêu cho thực phẩm Halal của cộng đồng Hồi giáo toàn cầu ngày càng tăng cao, dự kiến đạt 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050.
Hơn nữa, sản phẩm Halal đang được nhiều người quan tâm chứ không chỉ cộng đồng Hồi giáo. Một số thị trường thông thường vẫn tích cực mua vì tính chất lượng, an toàn, bền vững của chứng nhận này. Ngược lại, doanh nghiệp có năng lực sản xuất được hàng Halal thì dễ tiếp cận được các thị trường khó tính.
Việt Nam được đánh giá có tiềm năng xuất khẩu thực phẩm Halal. Tiềm năng mở rộng xuất khẩu Halal của Việt Nam càng được thể hiện rõ hơn khi Việt Nam đã nằm trong top 20 nước xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới và là một trong 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, đồng thời là mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, khu vực và liên khu vực đã được ký kết…
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị, các DN Việt Nam cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác bản địa tại thị trường xuất khẩu, đây cũng là yếu tố có vai trò quan trọng để tiếp cận hiệu quả thị trường Trung Đông và châu Phi nói riêng, thị trường Halal toàn cầu nói riêng.
Thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại cũng đang chú trọng tăng cường hỗ trợ và phối hợp với các hiệp hội, địa phương, doanh nghiệp và các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại như tập huấn, hội thảo, hội nghị, giao thương, hội chợ triển lãm... nhằm hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm hiểu thông tin, tiếp cận thị trường, tìm kiếm bạn hàng để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu Halal của Việt Nam.
Trước đó, tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”. Đây là đề án đầu tiên có ý nghĩa quan trọng, đưa ra định hướng mang tầm quốc gia về huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu, hiệu quả vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm Halal toàn cầu. |