Thuốc trừ sâu có thể tìm thấy ở Nam Cực, nơi không có canh tác |
Thuốc trừ sâu là gì?
Thuốc trừ sâu là thuật ngữ chung cho các sản phẩm bảo vệ thực vật hóa học được sử dụng trong nông nghiệp. Do đó, thuốc trừ sâu là những chất hóa học dùng để tiêu diệt hoặc ít nhất là ngăn chặn các loài thực vật, động vật hoặc nấm không mong muốn đe dọa cây trồng của chúng ta. Chúng được chia thành ba nhóm chính: thuốc diệt cỏ, thuốc diệt nấm và thuốc trừ sâu.
Khi thuốc trừ sâu được phun trên đồng ruộng, chúng có thể làm ô nhiễm cây trồng, hoa màu, đất và nước ngầm của chúng ta. Trong khi phun thuốc, gió thậm chí có thể mang chúng vào nhà và vườn của chúng ta và làm ô nhiễm cánh đồng, cây trồng của nông dân hữu cơ.
Thông qua sự bốc hơi và mưa, thuốc trừ sâu có thể bị mang đi xa hơn nữa, điều này giải thích tại sao thuốc trừ sâu có thể được tìm thấy ở Nam Cực, nơi không diễn ra canh tác.
Lý do là bởi hầu hết thuốc trừ sâu không tan trong nước mà liên kết với chất béo và các sinh vật khác, nên chúng cũng có thể dễ dàng di chuyển lên chuỗi thức ăn và đi vào cơ thể chúng ta nếu chúng ta ăn thịt hoặc cá.
Nhiều nghiên cứu khác nhau đã phát hiện thuốc trừ sâu trong mẫu tóc, sữa mẹ và nước tiểu của con người. Một trong những nghiên cứu lớn nhất được thực hiện ở Đức vào năm 2015 đã phát hiện ra trong số khoảng 2000 mẫu nước tiểu, 99,6% có chứa glyphosate – một loại thuốc diệt cỏ được Tổ chức Y tế Thế giới WHO phân loại là có khả năng gây ung thư.
Kể từ khi thuốc trừ sâu có mặt trên thị trường, ngộ độc thuốc trừ sâu cấp tính đã cướp đi sinh mạng của nhiều người trên toàn cầu. Một nghiên cứu từ năm 2020 cho thấy mỗi năm có 385 triệu trường hợp ngộ độc thuốc trừ sâu cấp tính ngoài ý muốn xảy ra trên toàn thế giới, khiến khoảng 11.000 người tử vong.
Các triệu chứng ngộ độc thuốc trừ sâu cấp tính bao gồm: phát ban da, mệt mỏi, nhức đầu, đau khớp và cơ đến nôn mửa, tiêu chả. Trong trường hợp nặng, có thể xảy ra suy tim, phổi hoặc thận. Điều này giải thích tại sao, đặc biệt là ở các nước nghèo, mỗi năm có khoảng 300.000 người cố tình uống thuốc trừ sâu với ý định tự tử.
Ngoài ngộ độc cấp tính, thuốc trừ sâu còn có thể gây ra các bệnh mãn tính. Ở Pháp và Italia, bệnh Parkinson đã được công nhận là bệnh nghề nghiệp của những người nông dân. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu khác nhau liên tục đề xuất mối liên hệ giữa thuốc trừ sâu và bệnh hen suyễn, dị ứng, dị tật, rối loạn tăng trưởng, béo phì, tiểu đường, ung thư vú, ung thư gan và bệnh bạch cầu.
Thuốc trừ sâu có thể dễ dàng tìm thấy trong thực phẩm của chúng ta |
Thuốc trừ sâu gây ô nhiễm thực phẩm ở mức độ nào?
Năm 2019, 96.302 mẫu thực phẩm bao gồm trái cây và rau quả tươi, ngũ cốc, rượu vang, sữa và mỡ lợn đã được Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) phân tích về dư lượng thuốc trừ sâu. Điều tích cực là hơn một nửa số mẫu không có dư lượng có thể định lượng được và 45% chứa một hoặc nhiều dư lượng ở nồng độ dưới hoặc bằng mức cho phép. Chỉ có 2 phần trăm chứa dư lượng vượt quá mức tối đa cho phép. Nhưng đó là ở các nước phát triển được kiểm soát rất nghiêm ngặt khi sử dụng thuốc trừ sâu, còn ở các châu lục khác, đặc biệt là các nước nghèo tại châu Phi, châu Á, chắc chắn các con số tiêu cực kể trên sẽ lớn hơn rất nhiều.
Đối với rau quả tươi, việc rửa dưới vòi nước chảy rồi chà khô là bước đầu tiên để loại bỏ dư lượng thuốc trừ sâu trên bề mặt sản phẩm. Điều này không chỉ được khuyến khích đối với các loại trái cây và rau quả chúng ta ăn cả vỏ, mà còn đối với những loại chúng ta gọt vỏ trước khi ăn.
Vì khi gọt hoặc cắt chúng, thuốc trừ sâu từ bề mặt có thể xâm nhập vào cùi. Mặc dù việc gọt vỏ có thể làm giảm hàm lượng thuốc trừ sâu nhưng nó cũng loại bỏ những thành phần có giá trị nhất trong thực phẩm của chúng ta (ví dụ 70% vitamin của quả táo được tìm thấy ngay dưới lớp vỏ mỏng).
Tuy nhiên, việc rửa, chà xát và gọt vỏ chỉ loại bỏ được một phần thuốc trừ sâu có trong một số loại rau quả. Các nhà nghiên cứu Mỹ đã phát hiện ra rằng cách tốt nhất để loại bỏ thuốc trừ sâu là ngâm sản phẩm trong nước có chứa 1% baking soda trong 15 phút, vì soda đảm bảo rằng dư lượng thuốc trừ sâu sẽ bị phá vỡ.
Sự do dự về mặt chính trị trong việc cấm các chất độc nguy hiểm là minh chứng cho một cuộc vận động hành lang nông nghiệp mạnh mẽ rất nhiều tiền đang bị đe dọa. Ví dụ về glyphosate đã nhiều lần chứng minh điều này: mặc dù WHO đã phân loại thuốc diệt cỏ này là chất có khả năng gây ung thư vào năm 2015, nhưng việc phê duyệt nó đã được gia hạn nhiều lần - hiện tại cho đến cuối năm 2023.
Trong khi chờ các quyết định của các nhà cầm quyền, cách tốt nhất để người tiêu dùng cuối cùng hỗ trợ một nền nông nghiệp bền vững hơn, không gây hại cho bản thân và môi trường của chúng ta là mua các sản phẩm hữu cơ.
Nông dân hữu cơ kiểm soát sâu bệnh hại thông qua việc luân canh, kết hợp cây trồng có hệ thống và sử dụng các sản phẩm tự nhiên. Qua đó, chúng không chỉ bảo vệ môi trường, nguồn nước và sức khỏe của thực vật, động vật và con người, đồng thời còn đảm bảo sinh kế cho các thế hệ tương lai.