Huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình là địa phương miền núi, có nhiều rừng cây nên thuận lợi cho việc nuôi ong lấy mật.Từ lâu, người dân miền núi Tuyên Hóa đã vào rừng bắt các tổ ong về nuôi trong các vườn nhà...Tuy nhiên, việc nuôi ong tự phát, nhỏ lẻ nên không mang lại lợi nhuận và phát huy được tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên đã ban tặng cho địa phương nơi đây.
Ông Nguyễn Quyết Thắng (thôn Thuận Tiến, xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa) chia sẻ: gia đình tôi nuôi ong từ năm 1998 đến nay. khi xưa, mật ong chưa được xem là hàng hóa, nên việc giới thiệu và tiêu thụ rất hạn chế. Người dân xem nuôi ong là nghề phụ, làm thêm cho vui chứ chưa chú trọng đầu tư.
Ông Trần Quyết Thắng đang chăm sóc đàn ong của gia đình |
Từ tháng 8/2018, ông Nguyễn Quyết Thắng đã liên kết những hộ dân nuôi ong tự phát ở địa phương xã Thuận Hóa thành lập HTX nuôi ong lấy mật Quyết Thắng. HTX có trụ sở ở thôn Thuận Tiến, xã Thuận Hóa. Ban đầu HTX có 22 hội viên sau phát triển tăng lên 25 hội viên và liên kết giá trị với Hội nuôi ong huyện Tuyên Hóa với hơn 300 hội viên.
Ông Nguyễn Quyết Thắng cho biết “từ khi thành lập HTX, chúng tôi xác định mật ong là sản phẩm hàng hóa đặc thù, mang đặc trưng của núi rừng Tuyên Hóa. Các hội viên HTX có sự trao đổi, liên kết sản xuất, thường xuyên học tập, chia sẻ kinh nghiệm nên chất lượng và sản lượng mật ong ngày càng được nâng cao”.
Từ khi thành lập HTX, số lượng đàn ong trong các hội viên tăng cao; sản lượng mật ong thu hoạch năm 2023 đạt gần 5 tấn mật thì đến năm 2024 với 1.000 đàn ong cho thu hoạch đạt 5,1 tấn mật, giá trị lợi nhuận bán mật hơn 1 tỉ đồng. Năm 2024, các hội viên HTX đã tạo giống và bán là 900 đàn ong, giá trị đạt khoảng 900 triệu đồng.
Sản phẩm mật HTX ong Quyết Thắng đang từng bước khẳng định thương hiệu và được người tiêu dùng đón nhận |
Theo ông Nguyễn Quyết Thắng, nghề nuôi ong có chi phí đầu tư thấp hơn so với các nghề nuôi khác, nhàn hạ hơn nhưng lợi nhận cao. Nuôi ong thì khâu kỹ thuật rất được chú trọng, bởi ong khi đã thất bại là phải đầu tư đàn lại từ đầu chứ không vớt vát được như các loài nuôi khác.
Giờ để nuôi ong và tái tạo dàn, nhiều thành viên trong HTX nuôi ong Quyết Thắng đã vay nguồn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình nên giải quyết được khâu vốn đầu tư. Còn về kỹ thuật, các hộ tham gia sau ngoài tham gia các lớp tập huấn ra còn học tập kinh nghiệm từ các hộ nuôi ong đi trước để trang bị kiến thức.
Ông Lê Xuân Kỳ - thanh viên HTX nuôi ong Quyết Thắng cho hay: Từ 4 đàn ong lúc đầu nuôi phụ thêm thêm kinh tế cho gia đình mà mật thu hoạch ra rất ít có người mua. Khi HTX nuôi ong Quyết Thắng được thành lập, gia đình tôi tham gia và mạnh dạn tăng đàn. Giờ tôi giữ ổn định 60 đàn ong, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra tôi có bán thêm ong giống và sáp ong. Nhờ nuôi ong mà gia đình tôi đã có tiền nuôi các con ăn học và thoát nghèo ở địa phương.
Được biết,nhiều thành viên nuôi ong đạt thu nhập cao như hộ ông Ngô Văn Vinh, ông Nguyễn Quyết Chiến, ông Lê Xuân Kỳ, các hộ này đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu bằng nghề nuôi ong. Họ còn chia sẻ kinh nghiệm cho những thành viên mới để nuôi ong có hiệu quả kinh tế cao nhất.
Gia đình anh Hồ Phình nhờ liên kết nuôi ong với HTX Quyết Thắng nên dễ dang hơn trong tiêu thụ sản phẩm, tăng thêm thu nhập kinh tế, từng bước thoát nghèo |
“Hình thức nuôi ong cố định tại nhà, do vậy mà thành viên HTX trải rộng trên địa bàn toàn xã, được hình thành 3 tổ gồm: Xuân Canh, Thuận Tiến và Đồng Lào. Bởi vậy đàn ong trong HTX luôn giữ ở mức vừa phải để đảm bảo nguồn hoa lấy mật cho ong. Phát triển thêm đàn ong, nâng cao sản lượng mật chúng tôi mở rộng địa bàn, liên kết với các thành viên ở các địa phương khác trong và ngoài huyện. Hiện nay chúng tôi liên kết chuỗi giá trị với người nuôi ong của 10 xã trong huyện Tuyên Hóa và 1 số xã ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình” ông Thắng cho biết thêm.