Người dân tất bật khôi phục lại vườn đào cho kịp vụ Tết. |
Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ở làng đào Nhật Tân ở khu vực (Âu Cơ, quận Tây Hồ, Hà Nội), người dân đang nỗ lực phục hồi, chăm sóc cây để kịp phục vụ người dân dịp Tết.
Đào Nhật Tân “đặc sản” không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán người dân Hà Thành, mỗi dịp Tết đến xuân về với miền Bắc nói riêng, mọi nhà luôn muốn sắm những cành đào đẹp để đón Tết với mong muốn một năm mới bình an và hạnh phúc.
Nhưng siêu bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào khu vực miền Bắc hồi tháng 9 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Theo ước tính của chính quyền địa phương, khoảng 30% - 40% diện tích cây trồng tại các vườn đào, quất ở các phường Nhật Tân, Phú Thượng, Tứ Liên, quận Tây Hồ (Tp.Hà Nội) bị thiệt hại nặng nề bởi bão số 3.
Ước tính thiệt hại về cây trồng trên địa bàn quận Tây Hồ tính sơ bộ khoảng 161,1ha cây trồng, tương đương 132,18 tỷ đồng. Có 35,5ha quất bị ngập, thiệt hại khoảng 37,05 tỷ đồng, trong đó, phường Tứ Liên bị ngập 35ha, phường Nhật Tân là 0,5ha.
Đáng chú ý, 105ha trồng đào trên địa bàn quận đã bị ngập do mưa lũ, thiệt hại khoảng 85,26 tỷ đồng. Trong đó, phường Nhật Tân bị ngập 80ha; phường Phú Thượng là 25ha. Bên cạnh đó, 20,6ha hoa màu cũng bị ngập lụt, thiệt hại khoảng 9,87 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở khu vực bãi trũng và bãi đá phường Nhật Tân.
Nhiều gia đình trồng đào ở Nhật Tân gần như mất trắng họ cố gắng cứu những cây còn sống và phục hồi - Ảnh minh họa. |
Sau khi cơn bão đi qua gây ảnh hưởng thiệt hại nặng nề ở phía bắc nói chung và ở Hà Nội nói riêng, người dân đã ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất. Chia sẻ với Tạp chí điện tử Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, bà Hợp - chủ vườn đào ở Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội cho biết, trong hơn 20 năm trồng đào chưa bao giờ gặp trận bão kinh khủng đến thế. Gia đình tôi nhìn gần 200 cây đào bị tàn phá do bão càn quét, những người nông dân như chúng tôi chỉ trông chờ hết vào dịp Tết cuối năm để bán lấy công làm lãi nhưng giờ đây gần như mất trắng.
Hiện tại, vườn chỉ còn lại một số cây so với trước bão số 3, chúng tôi đang cố gắng chăm sóc những cây còn sống và nhập thêm cây từ các vườn khác về để phục vụ khách dịp Tết này, bà Hợp nói.
Theo dự báo của các chủ vườn, thị trường hoa đào, quất và các loại hoa tết 2025 sẽ biến động lớn về giá, vì nguồn cung bị ảnh hưởng do bão số 3 gây ra. Giá đào, quất, hoa tươi Tết 2025 được dự báo sẽ tăng 20% - 30% so với năm trước.
Để khôi phục những vườn đào bị tàn phá, ngoài việc chăm sóc số ít cây đào còn sống sót, nhiều gia đình ở Nhật Tân đã bắt đầu trồng lại. Những cây đào con được mang từ Thanh Hóa, Phú Thọ về trồng, chờ khoảng ba, bốn tháng rồi ghép mắt đào Nhật Tân. Do nhu cầu trồng lại đào sau lũ lớn khiến giá cây giống tăng vọt, gấp 7 - 8 lần. Thậm chí, nhiều người không thể mua được vì nguồn cung hạn chế.
Việc khôi phục từng gốc đào không chỉ tốn kém mà còn mất rất nhiều thời gian, it nhất ba năm nữa những cây đào con mới cho hoa - Ảnh minh họa. |
Theo những người dân trồng đào, việc khôi phục từng gốc đào không chỉ tốn kém mà còn mất rất nhiều thời gian. Ít nhất ba năm nữa những cây đào con mới cho hoa, tức là đến năm 2026, người dân Nhật Tân mới có thể trở lại với mùa Tết như xưa.
Những người dân các vùng trồng đào đều mong muốn được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cho người dân hỗ trợ vay vốn ưu đãi để phục hồi sản xuất và ổn định cuộc sống.
Để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau lũ, Quận Tây Hồ đã giao Ngân hàng Chính sách khoản vốn ủy thác để người dân trồng đào được vay không lãi suất, trong thời hạn 2-3 năm, số vay tương đương với phần thiệt hại của các hộ trồng đào, quất.
Dự kiến sản lượng đào, quất của Hà Nội sẽ giảm đi rất nhiều do ảnh hưởng của mưa lũ. Thế nhưng, vượt qua những khó khăn sau bão, các nhà vườn đang tất bật vào vụ, để cung cấp đào cho vụ Tết, quyết tâm vượt khó, phục hồi sản xuất.