Sản lượng sầu riêng năm 2024 của tỉnh Đắk Lắk khoảng trên 300.000 tấn - Ảnh minh họa. |
Đắk Lắk sẵn sàng xuất khẩu sầu riêng đông lạnh chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là cơ hội vàng để tỉnh nâng cao giá trị ngành hàng, tăng kim ngạch xuất khẩu nhờ sở hữu diện tích sầu riêng lớn nhất cả nước. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có kinh nghiệm bóc múi, cấp đông sầu riêng với sản lượng lớn trong những năm qua. Để đón đầu cơ hội xuất khẩu chính ngạch, nhiều doanh nghiệp đang chuẩn hóa quy trình sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn và lên kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất.
Xuất khẩu chính ngạch mang lại nhiều lợi ích then chốt như giảm chi phí vận chuyển, dịch vụ; nâng cao chất lượng, kiểm soát chất lượng tốt hơn, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; kéo dài thời gian bảo quản, giảm áp lực tiêu thụ quả tươi; ổn định đầu ra, mang lại thu nhập cao, ổn định cho người nông dân. UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tập huấn, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, nông dân về các quy định, tiêu chuẩn liên quan đến Nghị định thư. Toàn tỉnh hiện có 17 doanh nghiệp chế biến sầu riêng có năng lực cấp đông và kho lạnh bảo quản, công suất khoảng 120.000 tấn/năm tại 6 huyện, thị xã; trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Krông Pắc với 8 cơ sở.
Chất lượng là yếu tố then chốt. Với diện tích sầu riêng rộng lớn, sản lượng dồi dào, Đắk Lắk cần tập trung vào chất lượng sản phẩm. Tỉnh hiện có khoảng 32.785 ha sầu riêng, tăng hơn 10.300 ha so với năm 2022; trong đó diện tích cho thu hoạch chiếm 48,35%. Sản lượng sầu riêng năm 2024 của tỉnh khoảng trên 300.000 tấn. Việc liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ để nâng cao chất lượng sầu riêng nguyên liệu là rất cần thiết. Bên cạnh đó, tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là yếu tố then chốt để giữ vững uy tín và thương hiệu sầu riêng Việt Nam. Các giải pháp cần được tiến hành để mùa vụ sầu riêng năm 2025 khắc phục được vấn đề sượng nước, ứng phó được tác động của thời tiết bất lợi.
Tỉnh cũng chủ trương thu hút doanh nghiệp uy tín đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu, trong đó có sầu riêng đông lạnh. Bài toán về vỏ sầu riêng cũng cần được lưu tâm. Thông thường, với một trái sầu riêng, tỷ lệ vỏ sầu riêng chiếm 50 - 60%. Như vậy, với sản lượng gần 500.000 tấn sầu riêng của vùng Tây Nguyên hiện nay, lượng vỏ chiếm khoảng 300.000 tấn. Nghiên cứu sử dụng vỏ sầu riêng làm nguyên liệu sản xuất thực phẩm gia súc, phân hữu cơ là giải pháp vừa tận dụng nguồn nguyên liệu, vừa giải quyết vấn đề môi trường.
Sầu riêng Đắk Lắk đã và đang được sản xuất rải vụ. Cùng với những điều kiện thuận lợi tại chỗ, sự chủ động của tỉnh, các địa phương và doanh nghiệp, hợp tác xã đang mang lại nhiều tín hiệu lạc quan, sẵn sàng chinh phục mục tiêu đề ra.
Xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc sắp "kết thúc" |
Bẫy "kim loại nặng" và bài toán xuất khẩu sầu riêng |
Từ 3.000 đồng lên 83.000 đồng/kg, giá cau tăng "chóng mặt" |