![]() |
Bà Dương Thị Quỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Nông |
Năm 2024, tỉnh Đắk Nông ghi dấu ấn khi kim ngạch xuất khẩu đạt 1,045 tỉ USD , tăng 18,6% so với năm 2023. Trong đó, mặt hàng cà phê chiếm khoảng 28% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Các thị trường xuất khẩu của Đắk Nông chủ yếu là Singapore , Mỹ, Đức, Nhật Bản, Australia,Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Italia….
Theo thống kê kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tỉnh Đắk Nông phát sinh chủ yếu tại thị trường các nước thành viên CPTPP, chiếm trên 90% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tuy nhiên phần lớn sản phẩm nông sản xuất khẩu chưa qua chế biến sâu, giá trị gia tăng chưa cao, điều này chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Đắk Nông về hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp chủ lực như Cà phê, Điều, Hồ tiêu, Cao su.
Biến động thị trường và giá cả
Hoạt động xuất khẩu nông sản của tỉnh Đắk Nông đang chịu ảnh hưởng không nhỏ từ sự biến động của thị trường toàn cầu. Những yếu tố như thời tiết cực đoan, dịch bệnh, thay đổi chính sách thuế quan hay biến động trong nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường nhập khẩu đều có thể khiến giá cả nông sản dao động mạnh. Tình trạng này khiến người nông dân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất dài hạn và duy trì sự ổn định trong hoạt động kinh doanh.
![]() |
Ông Nguyễn Chí Long, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Long Huệ, huyện Đắk Rlấp, Đắk Nông |
Mặc dù, Đắk Nông có nhiều tiềm năng sản xuất nông nghiệp và còn dư địa xuất khẩu, nhưng hiện nay các mô hình liên kết, hợp tác giữa người sản xuất và doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu chưa nhiều, đã ảnh hưởng đến đầu ra sản phẩm, bên cạnh đó hệ thống logistics còn hạn chế, thiếu kho lạnh và phương tiện bảo quản hiện đại cũng tác động đến chất lượng sản phẩm trong quá trình từ khâu sản xuất, bảo quản, vận chuyển cho đến khi đến tay người tiêu dùng quốc tế.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu và dịch bệnh ngày càng trở thành mối đe dọa nghiêm trọng. Tình trạng hạn hán, lũ lụt và sâu bệnh ngày một phức tạp đã và đang ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng nông sản. Những yếu tố này đòi hỏi địa phương phải có các giải pháp thích ứng nhanh chóng và bền vững để bảo vệ ngành nông nghiệp trước những biến động toàn cầu.
Bà Dương Thị Quỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Nông, cho biết: “Thị trường nông sản quốc tế có tính biến động do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh, các chính sách thuế quan và thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng. Điều này khiến cho nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu tại Đắk Nông khó xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh ổn định. Giá cả nông sản không ổn định đã ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân và tác động đến năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế”.
![]() |
Ông Mai Huyệch, hộ trồng sầu riêng tại xã ĐắkR’Moan chia sẻ, hiện nay người nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sầu riêng |
Ông Mai Huyệch, một hộ trồng sầu riêng tại xã ĐắkR’Moan, thành phố Gia Nghĩa chia sẻ, hiện nay người nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sầu riêng. Mặc dù gia đình ông đã được cấp mã số vùng trồng điều kiện tiên quyết để sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch nhưng thực tế, việc tiêu thụ sầu riêng vẫn chủ yếu diễn ra theo hình thức mua bán tự do, giá cả bấp bênh, không có doanh nghiệp nào đứng ra bao tiêu hay thu mua ổn định.
“Chúng tôi làm theo đúng quy trình, chăm sóc kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn nhưng khi đến vụ thì không biết bán cho ai. Giá cả hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái, lúc cao lúc thấp, không ai bảo đảm quyền lợi cho nông dân, dù sản phẩm đạt chất lượng và có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, nhưng việc thiếu liên kết với doanh nghiệp khiến người nông dân rơi vào thế bị động, không có tiếng nói trong chuỗi giá trị”- ông Mai Huyệch nói.
Áp lực từ tiêu chuẩn kỹ thuật và kiểm nghiệm
Một trong những rào cản lớn hiện nay là các yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng của thị trường nước ngoài đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng xuất khẩu nông sản của tỉnh Đắk Nông, bởi vì phần lớn nông sản xuất khẩu của tỉnh vẫn dưới dạng thô hoặc sơ chế, chưa qua chế biến sâu nên giá trị gia tăng thấp. Bên cạnh đó, việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng như cà phê, hồ tiêu, điều... vẫn chưa được thực hiện đồng bộ, khiến khả năng cạnh tranh và định vị sản phẩm trên thị trường quốc tế còn hạn chế.
Trong khi hầu hết thị trường xuất khẩu hiện nay, đặc biệt là châu Âu, Nhật Bản, Mỹ… đều có những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, bao bì, truy xuất nguồn gốc và vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc đáp ứng các yêu cầu này đòi hỏi doanh nghiệp và nông dân phải nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư vào công nghệ, đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin thị trường. Đây là thách thức không nhỏ đối với các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ ở Đắk Nông.
![]() |
Quy trình lựa chọn chanh dây của Công ty CP Đầu tư Long Huệ để xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc, châu Âu, Mỹ và Úc |
Trong năm 2024, Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân, (Công ty Nghiệp Xuân) xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã xuất khẩu thành công 500 tấn sầu riêng, hơn 1.000 tấn chanh dây và một lượng lớn quả bơ tươi sang thị trường Trung Quốc thông qua các cửa khẩu chính ngạch. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường này, Công ty Nghiệp Xuân luôn chú trọng nâng cao quy trình bảo quản, sơ chế, đóng gói theo tiêu chuẩn xuất khẩu, đồng thời đồng hành cùng nông dân trong việc hướng dẫn kỹ thuật canh tác, kiểm soát chất lượng từ khâu trồng trọt đến thu hoạch. Những nỗ lực này không chỉ nâng cao giá trị nông sản của tỉnh mà còn góp phần ổn định đầu ra cho bà con nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững và hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế.
Ông Bùi Phú Tôn, Giám đốc Công ty cho hay: Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của đơn vị nên việc siết chặt hơn về các yêu cầu kỹ thuật, đặc biệt là về dư lượng kim loại nặng… trong nông sản là điều kiện bắt buộc để hàng hóa có thể thông quan chính ngạch. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay là tỉnh Đắk Nông và khu vực lân cận, nơi tập trung phần lớn vùng nguyên liệu của công ty, vẫn chưa có đơn vị kiểm nghiệm đạt chuẩn để kiểm tra chỉ tiêu kim loại nặng.
“Các đơn vị có chức năng nghiệm còn cách xa vùng trồng, nên khi có nhu cầu kiểm nghiệm, công ty phải gửi mẫu đi thành phố Hồ Chí Minh, mất nhiều thời gian và chi phí vận chuyển. Trong khi đó, thời gian bảo quản của các loại trái cây như sầu riêng, chanh dây hay bơ là có giới hạn, nếu chậm trễ có thể ảnh hưởng tới chất lượng hàng hóa và tiến độ xuất khẩu, nhất là trong mùa cao điểm”- ông Bùi Phú Tôn chia sẻ.
![]() |
Ông Nguyễn Chí Long, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Long Huệ tại vùng nguyên liệu huyện Đắk Lấp, Đắk Nông |
Chia sẻ về yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng để đưa sản phẩm chanh dây ra thị trường quốc tế, ông Nguyễn Chí Long, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Long Huệ, huyện Đắk Rlấp, cho biết: “Muốn vào được những thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu hay Úc, sản phẩm phải vượt qua được những ‘hàng rào kỹ thuật’ rất khắt khe. Không chỉ cần đạt chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (theo tiêu chuẩn SC – Safety Certificate), mà còn phải đảm bảo đồng đều về kích cỡ, màu sắc, độ chín và độ đường. Đặc biệt, các thị trường như châu Âu và Úc đòi hỏi hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng, vùng nguyên liệu phải đạt chứng nhận GlobalG.A.P hoặc tương đương”.
Theo ông Long, tiêu chuẩn của Úc hiện đang được xem là một trong những tiêu chuẩn cao và nghiêm ngặt nhất, kế đến là thị trường châu Âu. Còn thị trường Mỹ dù mở hơn nhưng lại đòi hỏi sự ổn định lâu dài và kiểm soát chất lượng theo chuỗi rất chặt chẽ. “Chúng tôi không chỉ bán một quả chanh, mà là bán một quá trình sản xuất minh bạch, bền vững và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng toàn cầu”- ông Long nhấn mạnh.
Giải pháp đồng bộ để nâng tầm nông sản
Tỉnh Đắk Nông đang nỗ lực xây dựng các thương hiệu nông sản riêng biệt, nhằm tạo sự khác biệt trên thị trường. Các sản phẩm tiêu biểu như cà phê, hồ tiêu và điều,… đang được chú trọng quảng bá và bảo vệ thương hiệu. Việc xây dựng thương hiệu mạnh sẽ giúp sản phẩm của tỉnh dễ dàng nhận diện và tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng, đặc biệt là trên thị trường xuất khẩu.
Thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án đẩy mạnh xuất khẩu hàng chủ lực của tỉnh; chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Đắk Nông đến năm 2030; các chương trình xúc tiến thương mại, thương mại điện tử,.. nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, chế biến và xuất khẩu các mặt hàng nông sản (cà phê, hồ tiêu, điều nhân, khoai lang, mắc ca, bơ, sầu riêng…) trên địa bàn tỉnh giới thiệu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm, doanh nghiệp đến với các nhà nhập khẩu nước ngoài, các công ty, các tập đoàn thu mua, hệ thống siêu thị trong và ngoài nước.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ nông sản: Các giải pháp công nghệ như thương mại điện tử, chuyển đổi số trong chuỗi cung ứng sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận các thị trường nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đồng thời, các công nghệ mới trong bảo quản và chế biến nông sản cũng sẽ được thúc đẩy.
Tổ chức các chương trình đào tạo và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp thông qua việc tổ chức các khóa đào tạo về kỹ năng xuất khẩu, quản lý chuỗi cung ứng, marketing quốc tế, và đàm phán thương mại quốc tế cho các doanh nghiệp nông sản.
Mặc dù có nhiều tiềm năng về điều kiện tự nhiên và các mặt hàng nông sản chủ lực, Đắk Nông vẫn đang đối mặt với những khó khăn lớn trong quá trình hội nhập và phát triển thị trường xuất khẩu. Để vượt qua những thách thức này, cần sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương, các sở ngành liên quan và cộng đồng doanh nghiệp trong việc phát triển hậu cần, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và tăng cường năng lực tiếp cận thị trường quốc tế./.