Rừng ngập mặn có khả năng lưu giữ carbon vượt trội so với các loại rừng khác - Ảnh minh họa. |
Việt Nam hiện có khoảng 160.000ha rừng ngập mặn, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Hồng. Đây là "bức tường xanh" vững chắc, giúp giảm thiểu tác động của thiên tai, bảo vệ bờ biển, hạn chế xâm nhập mặn và là nơi cư trú của nhiều loài sinh vật.
Rừng ngập mặn có khả năng lưu giữ carbon vượt trội so với các loại rừng khác, góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, diện tích rừng ngập mặn đang bị thu hẹp dần do nhiều nguyên nhân như tác động của biến đổi khí hậu, khai thác quá mức, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Nhận thức được tầm quan trọng của rừng ngập mặn, Bộ NNPTNT đã và đang triển khai nhiều chính sách, đề án bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn vùng ven biển, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Các chuyên gia khuyến nghị, cần tăng cường bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng ngập mặn một cách bền vững, kết hợp hài hòa giữa bảo vệ rừng và phát triển kinh tế. Cần có các giải pháp hỗ trợ người dân phát triển sinh kế dưới tán rừng, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của rừng ngập mặn.