Nông dân thị trấn Phục Hoà (Quảng Hoà) thu hoạch sắn. |
Theo lịch thời vụ, cây sắn cần đảm bảo thời gian sinh trưởng từ 8 tháng trở lên để củ sắn có hàm lượng tinh bột tốt nhất. Tuy nhiên, thời vụ năm nay, tại các xã: Đại Sơn, Cách Linh, Mỹ Hưng và hai thị trấn Hòa Thuận, Tà Lùng, nhiều hộ dân đã thu hoạch sớm hơn 20 ngày. Điều này làm giảm năng suất, hàm lượng tinh bột, giảm giá trị kinh tế và khả năng để giống sắn cho vụ sau. Việc người trồng sắn thu hoạch ồ ạt, không tuân thủ kế hoạch gây xáo trộn thị trường, làm khó khăn cho công tác quản lý và thu mua của Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Cao Bằng.
Ông Đàm Đình Đạo, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Hòa nhận định, nếu thu hoạch sắn non sẽ giảm hàm lượng tinh bột, chất lượng sản phẩm kém, cứ hơn 5 kg củ tươi mới thu được 1 kg tinh bột, còn đủ thời gian thu hoạch chỉ cần gần 4 kg sắn tươi đã thu được 1 kg tinh bột. Do thời tiết vừa qua bất lợi mưa lớn gây ngập úng, nhiều diện tích sắn bị hư hại. Theo thống kê, diện tích trồng sắn của huyện Quảng Hòa khoảng 600 ha, năng suất trung bình giảm 14% so với mọi năm, chỉ đạt khoảng 30 tấn/ha.
Chị Lục Thị Nga, xã Cách Linh chia sẻ, do bão lũ ảnh hưởng đến năng suất cây sắn, nên 3 ha cây sắn của gia đình chỉ cho năng suất khoảng 25 tấn/ha, giá bán 1.700 đồng/kg.
Anh Hoàng Văn Nhất, xóm Bản Mới, xã Đại Sơn cho biết, gia đình tôi đầu tư phương tiện vận chuyển, phối hợp với người dân lên lịch thu hoạch để sắn được vận chuyển về điểm thu mua kịp thời.
Theo bà Nông Thị Đang, Giám đốc Công ty cổ phần Khánh Hạ, Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Cao Bằng đã triển khai kế hoạch, lên lịch thu mua cụ thể từ đầu tháng 11/2024 đến hết tháng 3/2025 đối với từng địa phương trồng sắn trong tỉnh, với nhiều giải pháp hỗ trợ, đầu tư phương tiện vận chuyển, thanh toán kịp thời cho người dân. Đến thời điểm này, nhà máy thu mua được 3.500 tấn sắn, khoảng 30% sản lượng sắn toàn huyện Quảng Hòa. Trung bình mỗi ngày, nhà máy thu mua 250 - 280 tấn sắn tại 12 địa điểm thu mua trên địa bàn huyện Quảng Hoà. Dự kiến, sản lượng sắn thu mua vụ này đạt khoảng 23.000 tấn, tăng 15% so với năm trước. Nhà máy đã đầu tư gần 2 tỷ đồng nâng cấp dây chuyền sản xuất và tạo việc làm ổn định cho hơn 80 lao động, với thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.
Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, ngành chế biến sắn tại Cao Bằng vẫn đối mặt với thách thức từ sự cạnh tranh của thương lái và tình trạng người trồng sắn thu hoạch sắn non. Ông Lâm Văn Đường, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hòa Thuận nhận định, liên kết chặt chẽ giữa người dân và doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi đảm bảo đầu ra ổn định và chất lượng sắn. Chính quyền địa phương luôn chú trọng hỗ trợ và thúc đẩy mối liên kết này để người dân yên tâm sản xuất.
Cây sắn hiện là cây trồng đang giữ vai trò nguồn thu nhập chính của người dân vùng trồng sắn huyện Quảng Hoà. Song để người trồng sắn yên tâm sản xuất, chính quyền xã vùng trồng sắn tuyên truyền vận động nhân dân thu hoạch sắn đúng thời vụ, tiếp tục quan tâm đẩy mạnh sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa người trồng sắn với doanh nghiệp, nhằm gia tăng giá trị cây sắn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.