Nghề rèn truyền thống xã Phúc Sen, huyện Quảng Hoà được người dân duy trì, gìn giữ và phát triển trở thành làng nghề nổi tiếng tạo nên thương hiệu “Làng nghề rèn Phúc Sen”. Ảnh Quốc Sơn. |
Theo những người cao niên trong làng nghề rèn Phúc Sen, nghề rèn ở Phúc Sen có nhiều truyền tích. Tương truyền nghề rèn đã có từ thế kỷ XI, ban đầu vốn là nơi sản xuất vũ khí cho đội quân của Nùng Tồn Phúc và Nùng Trí Cao, là các thủ lĩnh địa phương chống lại quân Tống. Cũng có truyền tích cho rằng, thủa xưa có một ông cụ không biết từ đâu đi ngang qua, thấy người Nùng An Phúc Sen chỉ biết săn bắt, hái lượm, cuộc sống nghèo đói. Nhưng họ lại rất hiền lành, tốt bụng, đặc biệt có đôi mắt được ví là “nhãn thần” vì khả năng đi rừng vào ban đêm không cần bất kỳ dụng cụ phát sáng nào. Vì thế, ông cụ quyết định dạy cho người Nùng An Phúc Sen nghề rèn, đúc …
Về nghề rèn ở xã Phúc Sen có nhiều truyền tích, nhưng chắc chắn nghề rèn ở đây đã có lịch sử hàng trăm năm tuổi. Các sản phẩm rèn chủ yếu là công cụ: quốc, liềm, dao, búa, kéo…, đa dạng mẫu mã, có chất lượng tốt, bền, phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Năm 2019, nghề rèn Phúc Sen được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quyết định công nhận nghề rèn của người Nùng An, xã Phúc Sen là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và năm 2021 được UBND tỉnh Cao Bằng quyết định công nhận Làng nghề rèn Phúc Sen.
Hiện xã Phúc Sen có 4 xóm làng nghề rèn: Pác Rằng, Phja Chang, Tiến Minh, Đâư Cọ, với gần 200 xưởng rèn, gần 400 thợ lành nghề, với hàng trăm lao động phụ, sản xuất theo quy mô hộ gia đình, hợp tác xã.
Ông Lương Thanh Tùng, thành viên Hợp tác xã Dao Hà Khiêm, xóm Pác Rằng cho hay, Hợp tác xã Dao Hà Khiêm có 9 xưởng rèn thành viên, hơn 20 thợ lành nghề. Các xưởng rèn được đầu tư máy đập, máy mài, máy tiện…, phục vụ quá trình sản xuất, nên năng suất được nâng cao, giảm bớt sức lao động. Nhưng một số công đoạn sản xuất sản phẩm tinh vẫn phải làm thủ công truyền thống để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đến nay, làng nghề có sản phẩm dao của các Hợp tác xã Dao Hà Khiêm, Hợp tác xã Minh Tuấn Phúc Sen và hộ kinh doanh Nông Văn Sơn, xóm Phja Chang được công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
“Trước đây khi chưa có máy móc thiết bị hỗ trợ, một ngày xưởng chỉ làm 4 -5 sản phẩm, giờ xưởng sản xuất được 10 -15 sản phẩm. Nhờ đó, đáp ứng được nhu cầu đặt hàng của các đối tác và các cơ sở kinh doanh cũng như khách hàng trong, ngoài tỉnh. Thu nhập của các thành viên hợp tác xã vì thế được nâng lên 6 triệu đến 7 triệu đồng/tháng”. Ông Lương Thanh Tùng cho biết thêm.
Sản phẩm Làng rèn Phúc Sen làm ra chất lượng, bền đẹp được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành và khách hàng trong nước tin dùng. Ảnh Quốc Sơn. |
Theo những thợ lành nghề, để sản phẩm dao được đảm bảo chất lượng bền, sắc bén, đầu tiên thợ rèn phải biết chọn nguyên liệu. Nguyên liệu chính phải là thép trắng, thép nhíp có độ cứng mà dẻo được nhập từ các tỉnh dưới xuôi, nhiên liệu dùng để nung thép phải dùng bằng than củi nghiến và than đá.
Sản xuất được một con dao hoàn chỉnh phải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, tỉ mỉ từng công đoạn từ khâu cắt thép, rèn định hình phôi dao, nung và rèn 6 – 7 lần để loại bỏ tạp chất trong thép; tiếp theo nung, rèn lặp lại 5 – 6 lần nữa để tạo hình sản phẩm cơ bản. Sau đó cho phôi nguội để rèn dàn nguội tạo kết cấu cho sản phẩm chắc chắn, rồi đem ra mài đá phá bỏ các phần thừa của sản phẩm, tiếp đến mài hạ, mài mịn lưỡi dao phù hợp với công năng sử dụng của từng loại dao làm cho lưỡi dao mịn, sáng bóng. Đến công đoạn tôi dao, là công đoạn quyết định đến chất lượng dao. Tôi dao phải nung dao trong lửa đến độ nóng phù hợp mà chỉ có thợ lành nghề, giàu kinh nghiệm bằng cảm quan mới nhận biết được, rồi nhúng nhanh xuống nước cho dao sốc nhiệt để nâng cao độ cứng, tính mài mòn, độ bền cho dao. Trong tất cả các công đoạn thì công đoạn tôi và ram dao là hai công đoạn chính tạo nên thương hiệu dao Phúc Sen.
Hiện nay, các xưởng rèn của làng nghề không ngừng nâng cao chất lượng, thường xuyên nghiên cứu phát triển mẫu mã, nhãn hiệu, cải tiến sản phẩm để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, cùng với tích cực quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm bằng nhiều hình thức. Tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại, kết nối cung cầu, giới thiệu các sản phẩm trên sàn giao dịch điện tử thương mại, nên thị trường tiêu thụ được mở rộng, nhiều loại sản phẩm của làng nghề rèn Phúc Sen được bày bán tại một số siêu thị các tỉnh, thành trong nước và được nhiều khách hàng đặt mua. Danh tiếng làng nghề rèn Phúc Sen được nhiều khách du lịch trong, ngoài nước biết đến, đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách mỗi khi đến Cao Bằng.
Trải qua hàng trăm năm tuổi, với bao thăng trầm lịch sử, là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghề rèn Phúc Sen được đồng bào dân tộc Nùng An, xã Phúc Sen duy trì, gìn giữ và phát triển, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Những tiềm năng, lợi thế độc đáo của nghề rèn nơi đây cũng đang được người dân khai thác hiệu quả vào xây dựng phát triển mô hình làng nghề gắn với phát triển dịch vụ, du lịch cộng đồng để tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển.