Việc lùi thời hạn áp dụng EUDR là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu - Ảnh minh họa. |
Nghị viện Châu Âu (EP) vừa thông qua quyết định lùi thời hạn áp dụng Quy định chống phá rừng (EUDR) thêm một năm, đến 31/12/2025. Quyết định này được đưa ra nhằm hỗ trợ các quốc gia đối tác, trong đó có Việt Nam, có thêm thời gian chuẩn bị và thích ứng với những quy định mới.
EUDR yêu cầu các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu vào EU phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp, không liên quan đến hoạt động phá rừng sau ngày 31/12/2020. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cà phê, cao su, ca cao... đều nằm trong danh mục chịu sự điều chỉnh của quy định này.
EU cam kết hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các quốc gia đối tác, bao gồm cả nông dân Việt Nam, thông qua hai sáng kiến trị giá hơn 140 triệu euro. Trọng tâm hỗ trợ là những diện tích canh tác nông nghiệp hợp pháp, không phải đất rừng.
Về phía Việt Nam, các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp đã có những bước chuẩn bị tích cực. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nỗ lực hoàn thiện các quy định, hướng dẫn doanh nghiệp và người dân thực hiện EUDR.
Mặc dù chưa có đánh giá chính thức về tác động của EUDR đến giá thành sản phẩm, nhưng giới chuyên gia nhận định, người tiêu dùng EU sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đóng góp vào bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
EUDR quy định rõ ràng về trách nhiệm chứng minh nguồn gốc sản phẩm. Các nhà nhập khẩu phải thu thập đầy đủ thông tin về chuỗi cung ứng, đảm bảo sản phẩm được sản xuất trên đất hợp pháp, không liên quan đến phá rừng.
Việc lùi thời hạn áp dụng EUDR là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu. Đây cũng là động lực để ngành nông nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới thị trường quốc tế.