Gia Lai chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả theo hướng bền vững |
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 11/11/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 107/QĐ-UBND ngày 26/02/2021 về phê duyệt Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040.
Sau 05 năm triển khai thực hiện Đề án, bước đầu đã đem lại kết quả tích cực, góp phần tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với phát triển các cơ sở, nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ, từng bước phát triển sản xuất hiệu quả, bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường.
Tuy nhiên, việc hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu rau, hoa và cây ăn quả đạt chuẩn xuất khẩu diễn ra còn chậm; liên kết giữa hộ dân với doanh nghiệp còn chưa chặt chẽ; chất lượng rau, hoa,quả giữa các vùng sản xuất còn chưa đồng đều; cơ giới hóa trong sản xuất, bảo quản, chế biến còn chưa đồng bộ.
Để phát triển sản xuất rau, hoa, cây ăn quả hàng hóa của tỉnh theo hướng bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu: UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo tổ chức rà soát, đẩy mạnh việc chuyển đổi diện tích cây trồng không hiệu quả sang phát triển rau, hoa, cây ăn quả. Xác định, định hướng, hỗ trợ phát triển các vùng nguyên liệu rau, hoa, quả hàng hóa tập trung gắn với cơ sở, nhà máy chế biến trong và ngoài tỉnh, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để có thể thu hoạch rải vụ, khắc phục và hạn chế tính thời vụ.
Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển các hình thức liên kết trong sản xuất rau, hoa, quả theo chuỗi từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế; đa dạng hóa sản phẩm chế biến; đẩy mạnh chế biến sâu và chế biến phế phụ phẩm trong sản xuất, chế biến rau, hoa, quả để tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao và bảo vệ môi trường.
Tăng cường, đẩy mạnh các hình thức xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ nông sản hàng hóa có thế mạnh của địa phương. Chủ động liên hệ và có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để kết nối, xác định, định hướng quy mô vùng trồng; thúc đẩy hình thành và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất rau, hoa, cây ăn quả hàng hóa có thế mạnh của địa phương, từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ; xây dựng, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung, thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ; sản xuất theo yêu cầu của thị trường tiêu thụ, gắn với xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và tổ chức thực hiện tốt các chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn: Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Luật Trồng trọt; Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật An toàn thực phẩm và những quy định của pháp luật liên quan.
Hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh việc chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang phát triển rau, hoa, cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, liền vùng; sản xuất theo các quy trình, tiêu chuẩn nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP), nông nghiệp hữu cơ (Organic); các tiêu chuẩn được cấp chứng nhận,... đảm bảo sản phẩm đáp ứng yêu cầu chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu.
Thực hiện từng bước chuyển đổi số trong sản xuất rau, hoa, quả dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu về đất đai, cây trồng, môi trường, thời tiết để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm rau, hoa, quả hàng hóa có thế mạnh của các địa phương.
Chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện hiệu quả các đề án, dự án, đề tài,… nhằm lựa chọn những giống cây trồng có năng suất, chất lượng tốt, thích ứng biến đổi khí hậu, phù hợp với trình độ thâm canh và điều kiện thổ nhưỡng của tỉnh để phục vụ sản xuất; đề xuất các giải pháp kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng, rải vụ thu hoạch, công nghệ bảo quản chế biến để khuyến cáo người dân áp dụng. Phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường đào tạo, tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học mới, quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic,… cho nông dân.
Tăng cường hướng dẫn, củng cố, đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã từ khâu tổ chức sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi sản phẩm và chuỗi giá trị, trên cơ sở phát triển mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người sản xuất với các kênh tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế và kết nối ngân hàng, tín dụng vào chuỗi sản xuất cung ứng rau, hoa, cây cảnh, cây ăn quả nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia vào chuỗi.
Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thiết bị mới tiên tiến trong trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm rau, hoa, quả hàng hóa có thế mạnh của các địa phương. Có kế hoạch đẩy mạnh việc hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp xây dựng và phát triển nhãn hiệu cho sản phẩm; hỗ trợ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm; hướng dẫn thực hiện lập hồ sơ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý) cho các sảnphẩm rau, hoa, quả./.