![]() |
Tiêu chuẩn xanh vừa là quy định của EU, vừa là yêu cầu của người tiêu dùng |
Theo đó, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan nhằm triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả các giải pháp ứng phó với những tiêu chuẩn xanh ngày càng khắt khe từ thị trường EU.
Sở Công Thương được giao vai trò chủ trì trong việc phổ biến, triển khai các chính sách, quy định và tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, tập trung vào các quy định liên quan đến thiết kế sinh thái, quản lý hóa chất độc hại, quản lý chất thải và hàm lượng tái chế trong vật liệu. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh, khuyến khích áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng tái tạo, cũng như thúc đẩy việc sử dụng nguyên vật liệu tái chế. Các giải pháp thiết kế đổi mới sản phẩm nhằm kéo dài vòng đời sản phẩm, cùng với việc áp dụng các công cụ đánh giá vòng đời và kiểm kê phát thải khí nhà kính cũng được đặc biệt quan tâm. Nâng cao năng lực cho doanh nghiệp thông qua đào tạo, phổ biến các quy định pháp luật trong nước và quốc tế, hướng dẫn xây dựng báo cáo phát triển bền vững và quản trị môi trường xã hội theo chuẩn quốc tế, cũng như các quy định về hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số là những nhiệm vụ quan trọng khác của Sở Công Thương
Sở Nông nghiệp và Môi trường được yêu cầu đẩy mạnh triển khai các chính sách về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), thúc đẩy phân loại rác tại nguồn, tăng cường thu gom, thu hồi, giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải, nhằm hạn chế tối đa tác động xấu đến môi trường.
Sở Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ đề xuất các nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến nghiên cứu, đổi mới ứng dụng các công nghệ và vật liệu mới, tái chế, tái tạo, góp phần vào việc thu hồi và xử lý chất thải hiệu quả. Đồng thời tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cũng như xây dựng và hỗ trợ các hoạt động chứng nhận, dán nhãn sinh thái cho các sản phẩm bền vững.
Về phía các Hiệp hội Doanh nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đề nghị chủ động cập nhật thông tin thị trường, nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu để có giải pháp tháo gỡ hoặc đề xuất hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Các đơn vị này cũng cần tổ chức phổ biến thông tin, kết nối với các cơ quan, tổ chức trong hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững, phối hợp xây dựng và triển khai các sáng kiến về kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Việc chủ động lựa chọn và sử dụng công nghệ thân thiện môi trường, thúc đẩy sử dụng nguyên vật liệu tái chế, năng lượng tái tạo, hạn chế chất thải và hóa chất độc hại, cũng như đào tạo nâng cao năng lực và tăng cường liên kết bền vững trong chuỗi giá trị được đặc biệt nhấn mạnh.
Việc ban hành công văn này thể hiện cam kết mạnh mẽ của UBND tỉnh Gia Lai trong việc chủ động thích ứng với các xu hướng phát triển xanh toàn cầu, đặc biệt là các chính sách từ Liên minh châu Âu. Đây là bước đi quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp địa phương, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế và góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh./.