![]() |
Quang cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định. |
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (bất thường) cho ý kiến về sắp xếp đơn vị hành chính.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn trình bày Tờ trình về việc thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Định 2025.
Tờ trình về Đề án sắp xếp tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, thành lập tỉnh Gia Lai trên cơ sở sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính, dân số của tỉnh Gia Lai và toàn bộ địa giới hành chính, dân số của tỉnh Bình Định. Tỉnh Gia Lai hình thành sau sắp xếp có diện tích tự nhiên là 21.576,5 km²; quy mô dân số hơn 3,153 triệu người; có 135 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 110 xã và 25 phường). Tỉnh Gia Lai sau sắp xếp có Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay.
Tại Hội nghị, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định biểu quyết 100% thống nhất thông qua Đề án sắp xếp tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Định năm 2025.
![]() |
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng chỉ đạo Hội nghị. |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng giao Đảng ủy UBND tỉnh nghiên cứu, bám sát Quyết định phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến góp ý của các đồng chí tham dự Hội nghị, hoàn thiện Đề án sắp xếp tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Định năm 2025, trình HĐND tỉnh cho ý kiến. Đồng thời, khẩn trương tiến hành các thủ tục xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu Kinh tế Nhơn Hội; chủ động bố trí, sử dụng trụ sở, xử lý tài chính, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính theo quy định; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp. Đối với sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc, thận trọng việc đặt tên gọi và xác định trung tâm hành chính của đơn vị hành chính mới sau sắp xếp, đảm bảo hài hòa, hợp lý, thuận tiện cho việc đi lại, giải quyết các thủ tục hành chính của người dân.
Trước đó, sáng 21/4, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định Lê Minh Tuấn chủ trì buổi thông tin kết quả lấy ý kiến của cử tri đối với Đề án sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã tỉnh Bình Định.
Trong hai ngày 19 - 20/4/2025, đồng loạt tất cả các Tổ lấy ý kiến cử tri tại các thôn, khu phố thuộc các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Định đã triển khai tổ chức lấy ý kiến của cử tri về việc sáp nhập tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định thành một tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Gia Lai và sắp xếp, tổ chức lại 58 đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Theo thống kê, đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai với Bình Định, toàn tỉnh Bình Định có 435.295 cử tri được lấy ý kiến. Có 430.047 cử tri đã tham gia ý kiến, đạt tỷ lệ 98,79%; trong đó, 423.070 cử tri đồng ý, chiếm tỷ lệ 98,38%; còn lại 1,62% cử tri không đồng ý.
![]() |
Ông Lê Minh Tuấn - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định chủ trì buổi thông tin kết quả lấy ý kiến của cử tri đối với Đề án sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã tỉnh Bình Định. |
Đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Định, toàn tỉnh có 434.710 cử tri được lấy ý kiến. Không thực hiện lấy ý kiến đối với cử tri xã Nhơn Châu, TP. Quy Nhơn vì xã Nhơn Châu không thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Có 429.462 cử tri đã tham gia ý kiến, đạt tỷ lệ 98,79%; trong đó, 423.179 cử tri đồng ý, chiếm tỷ lệ 98,54%; còn lại 1,46% cử tri không đồng ý.Để đảm bảo tiến độ hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, từ ngày 21 đến ngày 24/4/2025, HĐND của 154 xã, phường, thị trấn (trừ xã Nhơn Châu) sẽ họp để xem xét, thông qua kết quả lấy ý kiến cử tri đối với Đề án sắp xếp tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh. Sau đó, HĐND của 11 huyện, thị xã, thành phố sẽ tổ chức họp để xem xét, thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính các cấp. Dự kiến, ngày 28/4, HĐND tỉnh sẽ tổ chức kỳ họp để thông qua chủ trương sắp xếp tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Định, trước khi sắp xếp, tỉnh Bình Định có 155 đơn vị hành chính cấp xã, sau khi sắp xếp, toàn tỉnh còn 58 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 41 xã và 17 phường, giảm 97 đơn vị hành chính (giảm 62,58%).
![]() |
Bảng thống kê kết quả lấy ý kiến của cử tri đối với Đề án sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã tỉnh Bình Định. |
Cụ thể, thành phố Quy Nhơn sau sắp xếp sẽ còn lại 6 đơn vị hành chính, trong đó có 5 phường: Quy Nhơn, Quy Nhơn Nam, Quy Nhơn Bắc, Quy Nhơn Đông, Quy Nhơn Tây và xã đảo Nhơn Châu.
TX. An Nhơn sau sắp xếp còn lại 5 phường, 1 xã, gồm: Bình Định, An Nhơn, An Nhơn Đông, An Nhơn Bắc, An Nhơn Nam và xã An Nhơn Tây.
TX. Hoài Nhơn sau sắp xếp còn lại 7 phường: Hoài Nhơn 1, Hoài Nhơn 2, Hoài Nhơn 3, Hoài Nhơn 4, Hoài Nhơn 5, Hoài Nhơn 6 và Hoài Nhơn 7.
Huyện Phù Cát sau sắp xếp còn lại 7 xã: Phù Cát 1, Phù Cát 2, Phù Cát 3, Phù Cát 4, Phù Cát 5, Phù Cát 6 và Phù Cát 7.
Huyện Phù Mỹ sau sắp xếp còn lại 7 xã: Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 2, Phù Mỹ 3, Phù Mỹ 4, Phù Mỹ 5, Phù Mỹ 6 và Phù Mỹ 7.
Huyện Tuy Phước sau sắp xếp còn lại 4 xã: Tuy Phước 1, Tuy Phước 2, Tuy Phước 3 và Tuy Phước 4.
Huyện Tây Sơn sau sắp xếp còn lại 5 xã: Tây Sơn, Tây Sơn 1, Tây Sơn 2, Tây Sơn 3 và Tây Sơn 4.
Huyện Hoài Ân sau sắp xếp còn lại 5 xã: Hoài Ân 1, Hoài Ân 2, Hoài Ân 3, Hoài Ân 4 và Hoài Ân 5.
Huyện Vân Canh sau sắp xếp còn lại 3 xã: Xã Vân Canh 1, xã Vân Canh 2 và xã Canh Liên.
Huyện Vĩnh Thạnh sau sắp xếp còn lại 4 xã: Vĩnh Thạnh 1, Vĩnh Thạnh 2, Vĩnh Thạnh 3 và Vĩnh Thạnh 4.
Huyện An Lão sau sắp xếp còn lại 4 xã: An Hòa, An Lão, An Vinh và An Toàn.