![]() |
Rượu tằm Hòa Phong đạt sản phẩm OCOP 3 sao. |
Ngày 20/12/2007, làng nghề trồng dâu nuôi tằm thôn Mỹ Thạnh Tây, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa được UBND tỉnh Phú Yên công nhận là làng nghề truyền thống để nâng cao vị thế làng nghề, tăng thu nhập cho người dân, góp phần gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống theo hướng bền vững.
Làng nghề trồng dâu nuôi tằm xã Hòa Phong là một trong ba làng nghề truyền thống được UBND tỉnh Phú Yên chọn để hỗ trợ về vốn đầu tư, đào tạo nghề, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện để làng nghề phục hồi và phát triển theo Kế hoạch phôi phục, phát triển một số làng nghề tiểu thủ công nghiệp và du nhập phát triển một số nghề mới gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh năm 2024.
![]() |
Thời gian nuôi từ lúc tằm trứng đến khi tằm cho kén khoảng 30 ngày/lứa. |
Nghề trồng dâu nuôi tằm được hình thành tại thôn Mỹ Thạnh Tây, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa từ năm 1939 đến năm 1945, do ảnh hưởng của chiến tranh nên không thực hiện nữa. Đến năm 1982, Hợp tác xã NN-KD-DV Hòa Phong khôi phục lại Làng nghề trồng dâu nuôi tằm tại vùng soi bồi dọc theo sông Đà Rằng với diện tích 18ha, vì tác động của lũ lụt, một số diện tích bị bồi lấp không sản xuất được, nên diện tích cây dâu tằm bãi bồi cũ hiện còn 3,2ha.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đến nay Làng nghề trồng dâu nuôi tằm thôn Mỹ Thạnh Tây, xã Hòa Phong vẫn tồn tại và phát triển bền vững, góp phần đưa xã Hòa Phong đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về sản xuất năm 2024.
![]() |
Xã Hòa Phong hiện có 5ha cây dâu phục vụ bà con làng nghề. |
Tỷ lệ hộ dân tham gia Làng nghề trồng dâu nuôi tằm đến cuối năm 2024 là 72 hộ/339 hộ, chiếm 21,38% số hộ dân thôn Mỹ Thạnh Tây. Nhờ nghề này mà nhiều người dân trong làng đã thoát khỏi khó khăn, nghèo khó, trong đó không ít gia đình trở nên khấm khá.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Nùng (66 tuổi) ở thôn Mỹ Thạnh Tây, xã Hòa Phong, cho biết: Gia đình tôi làm nghề trồng dâu nuôi tằm cũng gần 20 năm rồi, nghề này tuy không nặng nhọc nhưng lại phải chịu khó, chịu khổ thức trắng đêm canh tằm. Nếu lứa nào thời tiết thuận lợi, cây dâu sinh trưởng tốt thì nuôi tằm đạt năng suất, bán có giá cao hơn, còn cây dâu không phát triển tốt thì xem như lứa đó không có tằm để bán. Thời gian nuôi từ lúc tằm trứng đến khi tằm cho kén khoảng 30 ngày/lứa, trung bình mỗi năm có thể nuôi được từ 2-5 lứa tằm tùy vào điều kiện thời tiết thuận lợi hay không. Bởi vậy, người trồng dâu nuôi tằm chỉ mong cây dâu sinh trưởng tốt, mà muốn dâu sinh trưởng tốt thì phải có phân bón cùng sự cần cù chịu khó.
![]() |
Tỷ lệ hộ dân tham gia Làng nghề trồng dâu nuôi tằm đến cuối năm 2024 là 72 hộ/339 hộ. |
Phó Giám đốc Hợp tác xã NN-KD-DV Hòa Phong Trần Ngọc Cư chia sẻ: Nhằm duy trì Làng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm xã Hòa Phong không bị mai một, Hợp tác xã nghiên cứu thực hiện chuỗi giá trị sản phẩm nhằm tăng thu nhập cho bà con thành viên, góp phần xây dựng nông thôn mới xã nhà đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về sản xuất năm 2024. Với quyết tâm vực dậy nghề trồng dâu nuôi tằm, được UBND huyện Tây Hòa hỗ trợ kinh phí, Hợp tác xã trồng mới lại 1,8ha, nâng tổng diện tích cây dâu hiện có 5ha; xây dựng nhà nuôi tằm tập trung với diện tích 200m2 để phát triển sản phẩm “Rượu tằm Hòa Phong”. Hợp tác xã tự chủ về việc cung cấp giống tằm con, cũng như liên kết, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con làng nghề.
![]() |
Làng nghề trồng dâu nuôi tằm thôn Mỹ Thạnh Tây, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa. |
Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng và cụ thể hóa thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), ngoài việc thu nhập từ kén tằm, Hợp tác xã NN-KD-DV Hòa Phong đăng ký sản phẩm “Rượu tằm Hòa Phong” và được UBND tỉnh Phú Yên công nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2020 và năm 2024.
Rượu tằm Hòa Phong đang là sản phẩm được tiêu thụ tốt, góp phần làm gia tăng giá trị và hiệu quả kinh tế địa phương. Rượu tằm Hòa Phong không chỉ là thương hiệu riêng của Hợp tác xã NN-KD-DV Hòa Phong, mà còn là đặc sản của tỉnh Phú Yên.