![]() |
Tỉnh Phú Yên có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đa dạng và phong phú để phát triển du lịch. |
Theo đề án vừa được phê duyệt, du lịch của tỉnh Phú Yên sẽ đóng vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn và là ngành kinh tế tổng hợp; tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Có hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa; thúc đẩy mạnh mẽ tái cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tăng dần tỷ trọng đóng góp của khối ngành dịch vụ - du lịch trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển.
Đảm bảo tiếp cận xu thế phát triển du lịch trong nước và quốc tế trong đổi mới, sáng tạo, trong chuyển đổi số, số hóa trong phát triển du lịch. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, áp dụng các mô hình tiên tiến cho phát triển du lịch. Phát triển du lịch gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội; xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, mến khách…
Mục tiêu chung của đề án là xây dựng Phú Yên trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn trong khu vực và cả nước. Phấn đấu đưa du lịch Phú Yên trở thành một điểm nhấn quan trọng trong liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Miền Trung, tạo nền tảng đến năm 2030, du lịch Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp lớn vào nền kinh tế của tỉnh, công nghiệp “sạch” mang bản sắc riêng của Phú Yên và khu vực. Ngoài các mục tiêu chung, Đề án cũng đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu chính cần thực hiện trong giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, đề án cũng định hướng phát triển du lịch tỉnh Phú Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo thứ tự ưu tiên gồm: Nhóm sản phẩm du lịch đặc thù; Nhóm sản phẩm du lịch chủ đạo; Nhóm sản phẩm du lịch bổ trợ.
Để triển khai, đề án sẽ huy động nguồn lực xã hội, đổi mới mô hình quản trị các di tích, danh thắng, công trình công cộng gắn với phát triển du lịch; đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; hoàn thiện cơ chế, chính sách và tổ chức quản lý du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; tăng cường mở rộng thị trường, xúc tiến, quảng bá, liên kết phát triển du lịch; thu hút đầu tư phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số ngành du lịch; liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch; khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu trong phát triển du lịch; đảm bảo quốc phòng an ninh; trật tự xã hội và an toàn cho khách du lịch.