![]() |
Phở sắn được đóng gói và đưa đến tay người tiêu dùng. (Ảnh: Caromi) |
Sợi phở sắn được làm từ củ sắn (hay còn gọi là khoai mì), một loại nông sản quen thuộc với người dân miền Trung. Để đảm bảo chất lượng, người làm nghề phải chọn những củ sắn tươi ngon nhất, sau đó cạo vỏ, rửa sạch rồi đem xay nhuyễn thành bột. Công đoạn tiếp theo là ngâm và chắt lọc liên tục trong 3 ngày 3 đêm nhằm loại bỏ tạp chất, giữ lại phần tinh bột tinh khiết nhất. Đây là giai đoạn quan trọng quyết định độ dai và độ trong của sợi phở sau này.
Sau khi bột đã đạt yêu cầu, người thợ sẽ nấu bột trên bếp củi, khuấy liên tục cho đến khi bột sánh mịn. Khâu kéo sợi cũng đòi hỏi sự khéo léo để tạo ra những sợi phở mảnh, đều và không bị đứt gãy. Cuối cùng, những sợi phở này được đem phơi dưới ánh nắng tự nhiên trong khoảng 7-8 tiếng, giúp sợi phở giữ được độ dai và màu sắc đặc trưng.
![]() |
Sắn sau khi được làm sạch thì mang đi xay nhuyễn thành bột. (Ảnh: Kim Duyên) |
Ông Trần Xuân Thu (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn, Quảng Nam), một người làm phở sắn lâu năm chia sẻ: "Mỗi ngày, chúng tôi sản xuất khoảng 1 tạ phở sắn, bán với giá 32.000 đồng/kg. Công việc bắt đầu từ 3 giờ sáng và kết thúc lúc 11 giờ trưa, có khi phải làm đến 8 giờ tối để kịp đơn hàng. Dù vất vả, nhưng tôi luôn tự hào vì nghề truyền thống này vẫn được duy trì và phát triển".
Theo ông Thu, công đoạn chuẩn bị bột đóng vai trò quyết định chất lượng của sợi phở. Nếu bột không đạt chuẩn, sợi phở sẽ dễ bị nứt gãy. Chính vì vậy, mỗi mẻ bột đều được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi đem vào sản xuất.
Ban đầu, phở sắn chỉ là món ăn dân dã của người dân Quế Sơn (Quảng Nam), thường được dùng trong những bữa cơm giản dị. Thế nhưng, nhờ sự độc đáo của nguyên liệu và quy trình chế biến thủ công, món ăn này ngày càng được nhiều người biết đến và yêu thích.
Không chỉ tiêu thụ trong nước, phở sắn còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Pháp, Mỹ, Thái Lan... Đặc biệt, với xu hướng ưa chuộng thực phẩm sạch và không chứa gluten, phở sắn đang dần trở thành lựa chọn thay thế cho các loại mì, bún truyền thống trên thế giới.
Anh Dương Ngọc Ảnh (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) - người tiên phong mang phở sắn vươn ra thế giới, tự hào chia sẻ: "Sợi phở sắn gây ấn tượng không chỉ bởi cái tên mà còn bởi hình dáng và hương vị khác biệt so với phở truyền thống. Đây là sản phẩm không chứa chất bảo quản, phù hợp với xu hướng ăn uống lành mạnh hiện nay".
![]() |
Từng tấm phở sắn được phơi dưới nắng to. (Ảnh: Caromi) |
Nếu như trước đây, phở sắn chủ yếu được làm bằng phương pháp thủ công, thì trong hơn một thập kỷ qua, nghề này đã có nhiều thay đổi. Việc áp dụng máy móc vào sản xuất giúp nâng cao năng suất, đồng thời cải thiện chất lượng sợi phở, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Nhờ những quá trình đổi mới và cải tiến không ngừng, phở sắn không chỉ giữ được hương vị truyền thống mà còn có thêm nhiều dạng biến tấu, phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Hiện nay, ngoài dạng sợi truyền thống, nhiều cơ sở còn sản xuất phở sắn dạng khô đóng gói tiện lợi, giúp người tiêu dùng dễ dàng chế biến thành các món ăn phong phú.
Dù không phải là món ăn cầu kỳ, nhưng phở sắn mang trong mình tinh hoa của ẩm thực miền Trung: giản dị, mộc mạc nhưng đầy tinh tế. Không chỉ giúp cải thiện đời sống của những người làm nghề, món ăn này còn góp phần đưa đặc sản Quảng Nam đến với bạn bè quốc tế.
Từ một món ăn dân dã nơi làng quê, phở sắn đã vươn xa, trở thành niềm tự hào của người Quảng Nam nói riêng và ẩm thực Việt Nam nói chung. Trên hành trình chinh phục thực khách khắp nơi, phở sắn không chỉ giữ nguyên giá trị truyền thống mà còn tiếp tục đổi mới, khẳng định vị thế trên bản đồ ẩm thực thế giới.