Theo đó, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tập trung triển khai xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm...
Thực tế cho thấy, các mô hình sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Chính nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã giúp người nông dân thay đổi tư duy vừa nâng cao hiệu quả vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho mình và cộng đồng, cân bằng sinh thái.
Đến tham quan trang trại hoa lan của anh Nguyễn Tiến Dũng, ở thôn Nội Đồng, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh (Hà Nội) được xây dựng khá hiện đại, với hệ thống chăm sóc hoa lan khép kín. Các công đoạn như tưới nước, nhân giống, tạo thế hoa đều được thực hiện trong nhà màng với tiêu chuẩn cao để hoa phát triển và nở đúng dịp. Các yếu tố nhiệt độ, ánh sáng và nguồn nước được kiểm soát tối ưu giúp cho sự sinh trưởng của hơn 50.000 gốc hoa.
"Nhờ ứng dụng công nghệ trong sản xuất hoa lan, giúp cho cây hoa phát triển tốt, trang trại lan đã phát huy hiệu quả kinh tế, mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Bên cạnh đó, trang trại còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động, với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng", anh Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.
Anh Nguyễn Tiến Dũng, đại diện trang trại Mê Linh F-Farm cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu ứng dụng để nâng cao chất lượng các loại hoa, thảo dược đang được trồng tự nhiên. Anh cũng kỳ vọng có thể phát triển Mê Linh F-Farm trở thành điểm du lịch sinh thái ấn tượng của huyện Mê Linh và Hà Nội.
Theo bà Bùi Hường Bích, Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng), để nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp cần phải ứng dụng công nghệ. Vì vậy, Hợp tác xã Đan Hoài đã đầu tư 85 nhà màng, nhà lưới, diện tích khoảng 20.000m2, áp dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, điều tiết nhiệt độ, ánh sáng. Hiện tại, Hợp tác xã đã làm chủ được quy trình trồng, chăm sóc, xử lý ra hoa hàng loạt đối với lan hồ điệp, đạt chất lượng cao. Nhờ sự đầu tư bài bản, khoa học, những năm qua, Hợp tác xã Đan Hoài cung cấp cho thị trường khoảng 1 triệu cây giống và lan hồ điệp thương phẩm/năm; doanh thu 4-5 tỷ đồng/năm.
"Quá trình sản xuất cho thấy, khoa học công nghệ chính là "chìa khóa" để gia tăng giá trị của các ngành kinh tế, trong đó có sản xuất hoa công nghệ cao. Theo đó, hàng năm, Hợp tác xã giới thiệu và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho người dân, các đơn vị trong và ngoài thành phố đưa ra thị trường hàng chục vạn cây giống và cây hoa lan hồ điệp chất lượng cao.
Việc áp dụng khoa học kỹ thuật tối đa trong sản xuất hoa của Hợp tác xã còn góp phần cải tạo đất trồng, lai tạo các giống hoa có khả năng thích ứng vùng đất canh tác bạc màu, khô hạn…", bà Bùi Hường Bích thông tin.
Để thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Trọng Khiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, huyện tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, như: vùng sản xuất lúa hàng hóa, vùng cây ăn quả cho phù hợp với quy hoạch của huyện là hành lang xanh, vùng đô thị sinh thái ven đô.
Những năm qua, huyện Thanh Oai đã hình thành một số vùng trồng hoa, cây cảnh cho hiệu quả kinh tế lớn như vùng trồng quất, bưởi cảnh ở các xã Kim An, Cao Viên... cho doanh thu trung bình 500-700 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, các địa phương có diện tích đất ngoài đê sông Hồng đã khai thác tối đa để trồng hoa, cây cảnh xen canh rau màu, chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian tới, huyện khuyến khích các nhà vườn đưa các giống hoa, nhóm cây cảnh có dáng độc đáo, phù hợp khuôn viên nhà ở đô thị vào sản xuất. Huyện sẽ khảo sát các xã ven sông, vùng bãi để hỗ trợ nông dân chuyển đổi xây dựng mô hình trồng hoa, cây cảnh.
Ngoài ra, huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội mở rộng giao thông khu vực ngoài bãi, hoàn thiện hệ thống thủy lợi vùng bãi nhằm tạo điều kiện cho người dân mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả vùng trồng hoa, cây cảnh tập trung, huyện khuyến khích người dân thuê đất, chuyển đổi đất sản xuất với cây trồng phù hợp trong đó có hoa, cây cảnh...
Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, trong quy hoạch phát triển nông nghiệp, Hà Nội đặc biệt chú trọng quy hoạch các vành đai xanh cho Thủ đô, nhất là trong điều kiện quỹ đất ngày càng hẹp lại nên việc phát triển các mô hình hoa, cây cảnh là lựa chọn hàng đầu. Đây cũng là mô hình được rất nhiều đô thị, thủ đô lớn trên thế giới xây dựng...
Để khắc phục hạn chế trong hình thành vùng trồng hoa, cây cảnh, Hà Nội sẽ xây dựng cơ chế, chính sách cho phát triển nhóm cây trồng này, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các mô hình ứng dụng công nghệ cao.
Thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với các viện nghiên cứu, nhà khoa học để lựa chọn sản phẩm chủ lực trong định hướng phát triển hoa, cây cảnh. Ngoài những nhóm cây, hoa chính như đào, quất, hoa hồng, hoa lan, cúc… cần mở rộng, đa dạng về các giống hoa, cây cảnh, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu...
Cùng với tháo gỡ về chính sách, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu trong sản xuất nhóm cây hoa, cây cảnh. Dự kiến đến năm 2025, diện tích canh tác hoa, cây cảnh toàn thành phố đạt khoảng 9.000ha. Ngoài các vùng hoa truyền thống hiện nay, Hà Nội sẽ chuyển đổi dần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Gia Lâm, Thường Tín và thị xã Sơn Tây, đặc biệt là vùng bãi ven sông.
Bên cạnh đưa giống hoa, cây cảnh mới, chất lượng cao vào sản xuất, thời gian tới, thành phố cũng tăng cường liên kết hình thức kinh tế hợp tác nông hộ với doanh nghiệp, hình thành các vùng sản xuất - tiêu thụ hoa, cây cảnh kết hợp du lịch sinh thái; duy trì thương hiệu, nhãn hiệu vùng hoa truyền thống.