Ngành nông nghiệp Lâm Đồng đang đối mặt với nhiều thách thức, nhưng với những giải pháp phù hợp và sự nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân, ngành nông nghiệp vẫn có nhiều tiềm năng phát triển |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thông tin, trong cơ cấu ngành Nông nghiệp địa phương thì ngành trồng trọt chiếm cao nhất 74,7%, chăn nuôi 22,3% và dịch vụ 3%. Trong 9 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng GRDP toàn ngành ước đạt 3,53%. Trong đó ngành trồng trọt tăng 4,71%, chăn nuôi giảm 0,003%, lâm nghiệp tăng 3,93% và thủy sản tăng 4,4%. Tốc độ tăng trưởng trên thấp 1,86% so với cùng kỳ năm 2023 (5,39%), thấp hơn 0,53% so với 9 tháng năm 2022 (4,06%) và thấp hơn 0,99% so với năm 2021 (4,52%).
Qua đánh giá cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là do mức tăng của lĩnh vực trồng trọt (chiếm 74,7% giá trị ngành Nông nghiệp) thấp hơn so với các năm. Trong đó, cây hằng năm (chiếm 76% giá trị ngành trồng trọt) tăng 3,7% nhưng thấp hơn 3,74% so với mức tăng 9 tháng năm 2023 và thấp hơn 3,16% so với mức tăng 9 tháng năm 2022.
Bên cạnh đó, diện tích chuyển đổi sang các loại cây có hiệu quả kinh tế cao như cây ăn quả, mắc ca trong các năm vừa qua tăng nhanh. Tuy nhiên, phần lớn các diện tích chưa cho sản phẩm (diện tích cho sản phẩm của cây ăn quả hiện chiếm khoảng 63% diện tích gieo trồng; mắc ca 36 %).
Ngoài ra, lĩnh vực chăn nuôi (chiếm 22% giá trị ngành Nông nghiệp) giảm 0,003%. Nguyên nhân, giá bán sản phẩm chăn nuôi (thịt, trứng) ở mức thấp, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao dẫn đến hiệu quả kinh tế của chăn nuôi còn thấp; các vấn đề về môi trường, dịch bệnh, quỹ đất thu hẹp đã ảnh hưởng đến hoạt động tái đầu tư sản xuất; tăng đàn của người dân.
Bên cạnh những khó khăn, ngành nông nghiệp Lâm Đồng vẫn đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận, nông nghiệp công nghệ cao phát triển, diện tích nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục tăng, đạt trên 21% diện tích canh tác, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 98,2%, số lượng hợp tác xã nông nghiệp tăng lên đáng kể.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, trong tổng số 10 chỉ tiêu kế hoạch được giao năm 2024 thì tới hết tháng 9 đã cơ bản đạt tiến độ, trong đó 1 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (chỉ tiêu thành lập hợp tác xã).
Để khắc phục những khó khăn và tận dụng các cơ hội, thực hiện có hiệu quả chiến lược "Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050"; Nghị quyết số 21, ngày 27/10/2022 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của UBND tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh các giải pháp trọng tâm những tháng còn lại trong năm 2024, cụ thể tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, hoàn thành các mục tiêu năm 2024, đặc biệt là công tác chỉ đạo phát triển sản xuất, đẩy mạnh các chương trình, thực hiện hiệu quả các đề án về bảo vệ rừng, trồng rừng, và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, củng cố kinh tế tập thể, hỗ trợ các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ, xúc tiến thương mại, hỗ trợ các địa phương, chủ thể hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm đề nghị công nhận sản phẩm OCOP quốc gia. Chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch của ngành Nông nghiệp năm 2024, đảm bảo tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn đạt trên 95%;...
Ngành nông nghiệp Lâm Đồng đang đối mặt với nhiều thách thức, nhưng với những giải pháp phù hợp và sự nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân, ngành nông nghiệp tỉnh nhà vẫn có nhiều tiềm năng phát triển./.