![]() |
Cây mía của Quảng Ngãi từng được xem là thế mạnh để phát triển tiểu thủ công nghiệp. |
Bền lòng giữ mía giữa thị trường lao đao
Được mệnh danh là “quê mía xứ đường”, tỉnh Quảng Ngãi đã có thời kỳ huy hoàng với diện tích hàng ngàn ha trồng mía, phục vụ cho hoạt động chế biến của Nhà máy đường Phổ Phong. Cây mía không chỉ là cây trồng chủ lực mà còn là nguồn sống của hàng ngàn hộ dân trên địa bàn các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức…
Tuy nhiên, biến động thị trường đường, đã dẫn tới quyết định dừng hoạt động của Nhà máy đường Phổ Phong từ vụ 2020-2021 do kinh doanh đi xuống. Từ đó, một cơn "địa chấn" lan rộng trong cộng đồng nông dân: cây mía mất chỗ tiêu thụ lớn nhất, giá thu mua không còn ổn định, đầu ra trở nên bấp bênh. Nhiều hộ buộc phải chuyển đổi sang trồng ngô, đậu, bí... thậm chí bỏ đất hoang vì không có mô hình canh tác phù hợp.
Nhưng không phải ai cũng rời bỏ cây mía. Bà Nguyễn Thị Liên, trú tại xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa, là một trong những người quyết định tiếp tục gắn bó với loại cây tưởng chừng đã hết thời này. Trên diện tích hơn 1,5 ha (trong đó 2/3 là đất thuê), bà vẫn kiên trì trồng mía để cung cấp cho các cơ sở tư nhân sản xuất mật, nước mía.
“Cái công mình bỏ ra cây mía rất ít nhưng mà có lợi nhuận. Ví dụ như vừa rồi tôi bán được 1,5 triệu đồng/tấn thì chi phí là 500 nghìn đồng, còn lợi nhuận 1 triệu. Một sào đất 500m² thu được 5 tấn là 5 triệu đồng, tệ nhất cũng được 4 tấn, thu vào 4 triệu đồng là chắc chắn", bà Liên tính toán một cách rành mạch.
Tương tự, anh Nguyễn Tấn Cầu, cũng ở xã Nghĩa Thắng, dù từng rẽ hướng sang các cây hoa màu, nhưng sau vài vụ không hiệu quả, đã quyết định quay lại với cây mía từ ba năm trước. Anh Cầu cho biết: “Tôi chia làm mía ép thì làm 10 sào, còn mía mật là 1,5 ha. Về lợi nhuận thì mía ép có lợi hơn nhưng mía mật thì ổn định hơn, đầu ra được bao tiêu luôn. So với các cây khác thì cây mía đạt hơn. Tôi tính lợi nhuận 1 năm, ví dụ 1 ha trừ đi chi phí thì lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng”.
![]() |
Đa số người dân trồng gối vụ để đảm bảo nguồn cung ổn định quanh năm. |
Bà Liên và anh Cầu không chỉ giữ lại cây mía, mà còn gìn giữ niềm tin khi người nông dân biết thích ứng và chủ động, thì ngay cả khi mất đi điểm tựa lớn như nhà máy đường họ vẫn có thể tiêu thụ được nông sản.
Chủ động phát triển chuỗi giá trị vốn có của cây mía
Trong bối cảnh thị trường thay đổi nhanh chóng, điều quan trọng nhất đối với nông dân không chỉ là gieo trồng, mà còn là đầu ra. Không còn phụ thuộc vào nhà máy đường, nông dân Quảng Ngãi chuyển từ hình thức bán nguyên liệu mía cho nhà máy sang phục vụ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thậm chí hướng tới người tiêu dùng cuối cùng thông qua các sản phẩm chế biến như nước mía, mật mía.
![]() |
Mật mía Quảng Ngãi là một sản phẩm đặc trưng của vùng đất này, được làm từ nước mía tươi ép và đun sôi trong thời gian dài. |
Một trong những nhân tố góp phần làm nên sự thay đổi này chính là sự xuất hiện của các đơn vị chế biến quy mô hộ gia đình như hộ kinh doanh Miền Trung Xanh do anh Đoàn Đức Uy điều hành. Xuất phát từ mong muốn gìn giữ cây mía quê hương và nâng cao giá trị cho loại nông sản bản địa, anh Uy đã xây dựng quy trình thu mua, chế biến thành sản phẩm giá trị gia tăng như mật mía, cao mật mía dùng cho thực phẩm và đồ uống.
“Cây mía chính là thế mạnh của tỉnh nhà, là người con của Quảng Ngãi tôi muốn phát triển cây mía và những sản phẩm từ cây mía để đem đến những thành phẩm có giá giá trị cao cho bà con sử dụng, cũng như đưa giá trị cây mía của Quảng Ngãi lên một tầm cao mới”, anh Uy chia sẻ.
![]() |
Hộ kinh doanh Miền Trung Xanh (xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa) là đầu mối thu mua mía ngay tại địa phương, góp phần giữ “đầu ra ổn định” cho hàng chục hộ nông dân của tỉnh nhà. |
Người trồng mía giờ đây có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, không chỉ là người sản xuất mà còn là người định đoạt sản phẩm cuối cùng của cây mía sẽ đi đâu, trở thành gì. Chính điều đó tạo nên sự ổn định: ổn định đầu ra, ổn định tâm lý sản xuất và quan trọng nhất là ổn định thu nhập.
Bà Liên tâm sự: “Nguồn thu ngoài thị trường bền bỉ thì nông dân trồng mía như tôi làm ra cây mía ra an tâm, không còn nơm nớp lo sợ nữa, chỉ tập trung canh tác thôi".
Cây mía tại Quảng Ngãi đã trải qua một bước ngoặt lớn, từ vị thế chủ lực, trở thành loại cây tưởng chừng bị “xóa sổ”, rồi lại âm thầm “tái sinh” nhờ những người nông dân kiên trì và thích ứng linh hoạt với thị trường. Sự thích ứng này mở ra một lối đi mới cho cây mía, dù không còn giữ vai trò thống trị trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp địa phương, nhưng vẫn là biểu tượng của tinh thần bền bỉ, năng lực chuyển mình và khả năng vươn lên của người dân Quảng Ngãi.