![]() |
Để đạt được mục tiêu kim ngạch 10 tỷ USD vào năm 2027, ngành rau quả cần tập trung vào một số giải pháp chủ chốt - Ảnh minh họa. |
Thực tế cho thấy, bên cạnh những thành công đạt được, ngành rau quả Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức. Yêu cầu về chất lượng ngày càng cao từ các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU, đòi hỏi ngành hàng phải nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật. Bên cạnh đó, tình trạng gian lận mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cũng là một vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng đến uy tín của rau quả Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Chiến tranh thương mại và xung đột chính trị toàn cầu cũng tác động không nhỏ đến xuất khẩu rau quả. Tuy nhiên, trong thách thức luôn tiềm ẩn cơ hội. Ngành rau quả cần chủ động nắm bắt tình hình, tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm.
Để đạt được mục tiêu kim ngạch 10 tỷ USD vào năm 2027, ngành rau quả cần tập trung vào một số giải pháp chủ chốt. Trước hết, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, cần đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, tận dụng lợi thế từ các FTA để mở rộng thị trường xuất khẩu. Việc hoàn thiện chuỗi liên kết từ vùng trồng, cơ sở đóng gói đến hệ thống kiểm dịch thực vật cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hàng.
Bộ NN&PTNT cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành rau quả, đàm phán mở cửa thị trường, hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho các mặt hàng chủ lực. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tăng cường thiết chế luật pháp, bảo vệ quyền lợi của các nhà sản xuất chân chính, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành rau quả Việt Nam.