Với khí hậu khô nóng, ít mưa, Ninh Thuận có tiềm năng lớn để phát triển nhiều sản phẩm đặc thù như nho, táo, măng tây, nha đam, hành, tỏi, muối, dê, cừu,... Để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, tỉnh xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ giữa các hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Tham gia các mô hình này người dân được hỗ trợ về ứng dụng khoa học kỹ thuật, nguồn vốn, thông tin thị trường. Đồng thời, tạo được vùng nguyên liệu đủ lớn cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến thành nhiều mặt hàng đa dạng, có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 36 cánh đồng lớn trồng lúa, nho, măng tây, hành tím, ngô giống,... với tổng diện tích hơn 5.010 ha; triển khai 70 liên kết chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp thông qua hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết trực tiếp với nông dân sản xuất lúa, bắp giống, nho, măng tây xanh, nha đam, tỏi, kiệu, ớt, hành tím, chanh không hạt, đậu xanh, điều, mía đường, sắn với tổng diện tích khoảng 15.000 ha. Ngoài ra, Ninh Thuận đã được cấp 35 mã số vùng trồng với diện tích gần 310 ha; diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt trên 825 ha. Các địa phương cũng hình thành nhiều mô hình liên kết chăn nuôi tiêu thụ các sản phẩm cừu, dê, bò, heo đen, gà bản địa với cơ sở giết mổ.
Cùng với liên kết sản xuất, các cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh áp dụng công nghệ, máy móc vào sản xuất để chế biến đa dạng hóa sản phẩm, nâng tầm giá trị các sản phẩm đặc thù của địa phương. Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay toàn tỉnh đã phát triển được 182 sản phẩm OCOP; trong đó, có 30 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 152 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao với mẫu mã đa dạng, hấp dẫn. Các sản phẩm OCOP từng bước khẳng định thương hiệu và tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận - Ninh Thuận (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn) cho biết, mỗi năm công ty thu mua khoảng 500 tấn táo, trên 200 tấn nho tươi liên kết với các hợp tác xã, hộ dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; trong đó, khoảng 50% sản lượng công ty bán ở dạng tươi, còn lại chế biến thành các sản phẩm như: Táo sấy dẻo tách hạt, nước cốt táo, siro táo, giấm táo, nho sấy tách hạt và nguyên hạt, vang nho,...bằng hệ thống máy móc tiên tiến. Các sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, cung ứng cho các cửa hàng OCOP, sân bay, siêu thị, chuỗi bán lẻ các cửa hàng trên toàn quốc.
Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, những năm qua tỉnh dành sự quan tâm rất lớn để xây dựng các mô hình hợp tác, liên kết trong nông nghiệp; tham gia các chuỗi liên kết mang lại lợi ích kép giúp người nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro, được hợp tác xã, doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất. Các hợp tác xã, doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý. Trong bối cảnh hiện nay việc liên kết trong sản xuất, chế biến sâu để tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đang là vấn đề cấp thiết để hướng đến nền sản xuất hàng hóa hiện đại mang lại giá trị tăng cao.
Năm 2024, Ninh Thuận đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị ngành nông nghiệp đạt từ 4 - 5%; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 148 triệu đồng/ha/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 700 triệu đồng/ha/năm. Để hoàn thành các kế hoạch đề ra, tỉnh tăng cường huy động các nguồn lực, triển khai các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh thực hiện đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tích cực chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, nhất là các hợp tác xã có mô hình liên doanh, liên kết hiệu quả.
Theo định hướng của ngành nông nghiệp Ninh Thuận, trong thời gian tới, địa phương tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, giảm tỷ trọng cây hàng năm có giá trị thấp, tăng tỷ trọng cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp chế biến làm cơ sở tổ chức lại sản xuất nông nghiệp hợp lý theo từng ngành hàng đáp ứng theo từng nhóm thị trường.
Cùng với đó, Ninh Thuận đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và vận chuyển nông sản; đào tạo nguồn nhân lực cho các hợp tác xã, tổ hợp tác trong quản lý; nâng cao trình độ cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị, trước hết đối với các sản phẩm chủ lực. Tỉnh tập trung xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc thù gắn với cấp mã vùng trồng, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của địa phương.