Chị Nông Ánh Nga, xóm Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng khai thác hiệu quả tiềm năng nguồn nước suối trong sạch, dồi dào, đầu tư nuôi cá tầm cho giá trị kinh tế cao. |
Khai thác hiệu quả tiềm năng nguồn nước tự nhiên
Năm 2015, khi đứng bên dòng suối Lê Nin chảy qua xóm Pác Bó, xã Trường Hà quê mình, chị Nga nảy ý tưởng nuôi loài cá nước lạnh để tận dụng nguồn nước tự nhiên dồi dào, sạch sẽ nơi đây. Sau nhiều lần tham khảo và học hỏi ở nhiều nơi, chị chọn cá tầm, loài cá có tiềm năng kinh tế cao nhưng đòi hỏi kỹ thuật chăn nuôi rất khắt khe.
Chị Nga kể, cá tầm rất khó nuôi, từ chọn giống đến chăm sóc. Con giống phải khỏe mạnh, cân đối, nếu không rất dễ nhiễm bệnh. Cá dưới 1 kg thường yếu và dễ chết, nhưng nếu nuôi đúng kỹ thuật, hiểu rõ đặc điểm của cá sẽ thành công.
Bằng sự quyết tâm, chị Nga đầu tư hơn 400 triệu đồng xây dựng 6 bể tròn bằng tôn, bạt, mỗi bể có sức chứa từ 500 - 1.000 con cá. Ưu điểm của bể tròn dễ vệ sinh, kiểm soát được dịch bệnh, tạo môi trường bơi lội liên tục cho cá, giúp cá phát triển khỏe mạnh và chất lượng thịt săn chắc, thơm ngon hơn.
Bà Đàm Thị Thuấn, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh Cao Bằng cho hay, cá tầm là loài sống khỏe trong môi trường nước sạch, giàu oxy, nhiệt độ lý tưởng từ 18 - 27 độ C. Người nuôi phải có kiến thức cơ bản trong quy trình chăn nuôi, lựa chọn con giống là yếu tố quyết định thành bại của cả mùa vụ nuôi cá.
Để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật chăn nuôi cá tầm, chị Nga tận dụng dòng nước suối Lê Nin dẫn qua hệ thống lắng lọc, khử khuẩn trước khi đưa vào bể nuôi, sử dụng men vi sinh tự ủ từ nguyên liệu tự nhiên đảm bảo môi trường nước luôn ổn định. Chế độ thức ăn của cá thay vì chỉ dùng thức ăn công nghiệp, chị kết hợp thêm các loại cá tạp, tép xay nhuyễn, hấp chín để tăng hàm lượng đạm cho cá. Mỗi ngày, tùy theo nhiệt độ nước, chị cho cá ăn từ 1 - 4 lần, đảm bảo không dư thừa gây ô nhiễm nước.
"Nếu không kiểm soát tốt môi trường nước và chế độ dinh dưỡng, cá sẽ dễ nhiễm bệnh và chết. Tôi luôn theo dõi các dấu hiện khác thường của cá, từ cách bơi, màu sắc.., để phát hiện kịp thời xử lý”. Chị Nga chia sẻ.
Cá tầm của chị Nông Ánh Nga, xóm Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng nuôi sau một năm trọng lượng trung bình đạt 1,8 – 2 kg/con. |
Kết quả từ ý chí vươn lên làm giàu
Sau nhiều năm nỗ lực, gia đình chị Nga nuôi cá tầm thành công, đã xuất bán hàng trăm con cá tầm thương phẩm mỗi lứa. Chỉ sau gần một năm đầu tư, chị Nga xuất ra thị trường 5 tạ cá thương phẩm, giá bán trung bình 250.000 đồng/kg, thu lợi hơn 40 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí, đến nay gia đình chị thu nhập bình quân trên 60 triệu đồng mỗi năm từ bán cá tầm. Cá của chị Nga được các nhà hàng địa phương đánh giá cao chất lượng thịt săn chắc, thơm ngon, tươi mới.
Chị Lý Thị Thu Huệ, chủ một nhà hàng chuyên phục vụ khách du lịch tại xã Trường Hà, nhận xét, khách hàng rất thích ăn món cá tầm ở đây vì cá được nuôi từ nguồn nước suối tự nhiên. Khách có thể mua được bắt cá trực tiếp tại bể nuôi sau đó giao cho nhà hàng chế biến nên cá đảm bảo tươi, ngon, giữ được hương vị đặc trưng của cá tầm.
Mô hình nuôi cá tầm của chị Nga mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nếu biết tận dụng, khai thác hiệu quả tiềm năng của địa phương. Học tập mô hình nuôi cá tấm của chị Nga, một số hộ ở xã Trường Hà đã đầu tư nuôi cá tầm, góp phần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi hiệu quả.
Theo ông Đàm Văn Cừ, trưởng xóm Bản Hoàng, vùng đất Pác Bó, xã Trường Hà sở hữu nguồn nước trong sạch, nhiệt độ ổn định quanh năm, rất lý tưởng cho việc phát triển nghề nuôi cá tầm. Thành công mô hình nuôi cá tầm của gia đình chị Nga là động lực để nhiều hộ dân trong vùng mạnh dạn đầu tư vào mô hình kinh tế mới này, kết hợp với phát triển mô hình dịch vụ, du lịch sinh thái.
Chủ tịch UBND xã Trường Hà Triệu Văn Thuận nhấn mạnh, nuôi cá tầm là mô hình đem lại giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân, thúc đẩy kinh tế gắn với phát triển dịch vụ, du lịch, quảng bá tiềm năng tự nhiên của địa phương. Xã tiếp tục hỗ trợ bà con mở rộng mô hình, xây dựng chuỗi giá trị liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm bền vững.
“Năm tới, gia đình tôi sẽ xây thêm 3 bể nuôi cá tầm. Dòng suối này không chỉ là mạch nguồn của thiên nhiên mà còn là mạch nguồn của hy vọng, của sự đổi thay cuộc sống nếu biết khai thác, tận dụng tốt tiềm năng của nó”. Chị Nga cho biết.
Từ suối Lê Nin, mô hình nuôi cá tầm của chị Nông Ánh Nga không chỉ góp phần tăng thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, còn khẳng định tinh thần sáng tạo, ý chí làm giàu của người nông dân khi biết tận dụng khai thác lợi thế tự nhiên của địa phương để phát triển kinh tế bền vững.