Ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, thời gian tới Lai Châu tập trung phát triển bền vững cây chè theo hướng hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái - Ảnh minh họa |
Lai Châu là tỉnh miền núi phía Bắc, là nơi khởi nguồn của con sông Đà hùng vĩ cung cấp nguồn thủy năng dồi dào cho các nhà máy thủy điện lớn của Quốc Gia như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu…Với diện tích tự nhiên 906.878,87 ha, trong đó có 526.533,58 ha đất nông nghiệp, chiếm 58,06% diện tích tự nhiên của tỉnh. Địa hình chia cắt mạnh bởi dãy núi Hoàng Liên Sơn và hệ thống lưu vực sông Đà, tạo ra các tiểu vùng khí hậu đặc trưng khác nhau từ độ cao trên 200m đến hơn 3.000m so với mực nước biển; có lợi thế phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản, chất lượng, trong đó có sản phẩm chủ lực của tỉnh là cây chè.
Phát biểu tại diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao”, tổ chức ngày 5/11/2024, ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có trên 10.500ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh 8.400ha, năng suất chè búp tươi bình quân đạt trên 70 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi trên 58.000 tấn. Diện tích chè thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên 7.000ha, chiếm 67% tổng diện tích. Toàn tỉnh có khoảng 260 ha chè áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn, trong đó diện tích đã được chứng nhận khoảng 160 ha (chứng nhận tiêu chuẩn RA 126 ha; chứng nhận VietGAP 10,5 ha; chứng nhận Hữu cơ 23,6 ha); đang triển khai thực hiện trên 100 ha chè áp dụng tiêu chuẩn VietGap.
Bên cạnh đó, các công ty, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh đã chú trọng đầu tư thâm canh, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn trong sản xuất; đa dạng về mẫu mã, sản phẩm. Tỉnh Lai Châu cũng ban hành các chính sách, hỗ trợ bà con phát triển ngành chè như: hỗ trợ 100% nguồn giống trong 3 năm đầu; chi phí đầu vào và đầu tư 15 tỉ đồng vào nhà máy sản xuất và chế biến.
Chuyển đổi sản xuất hữu cơ, chất lượng cao để ngành chè Việt Nam phát triển bền vững |
Cần đánh thức tiềm năng cho chè Việt |
Chè Việt Nam: Nâng tầm giá trị, vươn ra thế giới |
Toàn tỉnh Lai Châu đã có 21 sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, trong đó có 07 sản phẩm đạt 4 sao; 14 sản phẩm đạt 3 sao; có 09 sản phẩm/bộ sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 02 bộ sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp khu vực và quốc gia.
Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm chè của huyện Tân Uyên, Tam Đường. Các sản phẩm sau chế biến được các nhà nhập khẩu, doanh nghiệp xuất khẩu lớn trong nước đặt hàng và chủ yếu là sản phẩm thô như: Chè xanh sao lăn, chè xanh duỗi, chè Olong. Một số doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp hoặc ủy thác dưới dạng đóng bao lớn với bao bì đóng gói của các nhà nhập khẩu và được xuất khẩu sang các thị trường truyền thống có yêu cầu không cao về chất lượng sản phẩm như: Afghanistan (đây là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của tỉnh), Pakistan; Đài Loan; giai đoạn 2020-2024, sản chè khô xuất khẩu đạt 15,38 tấn, trị giá 32,36 triệu USD. Các sản phẩm chè của tỉnh chủ yếu là xuất khẩu sang thị trường Afghanistan, Pakistan và Đài loan, trong đó xuất khẩu trực tiếp chiếm 35% tổng sản lượng chè; còn lại là xuất ủy thác và bán nội tiêu. Tỷ lệ chè xanh sao lăn, chè xanh duỗi chiếm khoảng 90%; chè đen chiếm khoảng 10% sản lượng chè.
Ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu. |
Xác định có nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất chè tập trung, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định đến năm 2025, toàn tỉnh có trên 10.000 ha chè, thực hiện bảo tồn, trồng mới và trồng bổ sung 300 ha chè cổ thụ gắn với phát triển du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 – 2025, trong đó quy định chính sách hỗ trợ phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao, phát triển và bảo tồn cây chè cổ thụ (hỗ trợ 100% giống trồng mới, phân bón lót theo quy trình; hỗ trợ chuyển đổi đất, khai hoang, làm đất, phát dọn thực bì); hỗ trợ áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm (VietGAP và tương đương, hữu cơ, tiêu chuẩn xuất khẩu…).
Tuy nhiên, ngành chè Lai Châu còn những hạn chế, yếu kém. Diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (VietGAP, GlobalGAP, RA, hữu cơ…) còn ít. Các cơ sở chế biến chè của tỉnh có quy mô nhỏ, các sản phẩm chè chế biến chủ yếu là dạng thô, mẫu mã chưa đa dạng, năng lực cạnh tranh thấp. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ còn hạn chế, chủ yếu xuất khẩu tại các nước Trung Đông và Đài Loan, dẫn đến giá thành còn thấp.
Vì vậy, ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, thời gian tới Lai Châu tập trung phát triển bền vững cây chè theo hướng hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.
Song song với đó, phát triển du lịch sinh thái gắn với bản sắc văn hóa dân tộc, tạo ra 1 kênh tiêu thụ chè tại chỗ thông qua du lịch.