Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Myanmar đạt 573 triệu USD, giảm 16,6% so với năm 2023 - Ảnh minh họa. |
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Myanmar đạt 573 triệu USD, giảm 16,6% so với năm 2023. Đáng chú ý, cán cân thương mại song phương đã đảo chiều, Việt Nam từ vị thế xuất siêu năm 2023 đã chuyển sang nhập siêu 9,7 triệu USD từ Myanmar trong năm 2024.
Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam sang Myanmar đạt 282 triệu USD, giảm 35,5% so với năm trước, trong khi nhập khẩu đạt 291 triệu USD, tăng 16,3%. Sự sụt giảm mạnh mẽ này đến từ việc 18/19 mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Myanmar đều ghi nhận giá trị giảm.
Nguyên phụ liệu dệt may, da giày là điểm sáng duy nhất với mức tăng trưởng 19,1%, đạt 41,7 triệu USD. Ngược lại, nhiều mặt hàng chủ lực khác đều giảm mạnh, bao gồm dệt may (-14,8%), phân bón (-7,6%), sản phẩm từ chất dẻo (-54,2%), sản phẩm từ sắt thép (-56,8%)...
Xuất khẩu nông sản sang Myanmar cũng gặp nhiều khó khăn. Cà phê giảm 44,5%, chỉ còn 10,7 triệu USD; hạt tiêu giảm tới 93,6%, đạt 0,05 triệu USD.
Trong khi đó, nhập khẩu của Việt Nam từ Myanmar lại tăng trưởng đáng kể, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu rau quả tăng mạnh. Giá trị nhập khẩu rau quả đạt 138 triệu USD, tăng 34,6% so với năm 2023, chiếm tới 47% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Myanmar.
Cao su cũng là mặt hàng nhập khẩu nổi bật với giá trị tăng gấp 95 lần so với năm trước, đạt 19 triệu USD. Tuy nhiên, nhập khẩu một số mặt hàng khác như quặng và khoáng sản, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện lại giảm.
Nhìn chung, kim ngạch thương mại Việt Nam - Myanmar năm 2024 cho thấy sự suy giảm về xuất khẩu và tăng trưởng về nhập khẩu. Điều này đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm bắt thông tin thị trường, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh để khai thác hiệu quả thị trường Myanmar.
Đồng thời, cần tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là nông sản, để bảo vệ sản xuất trong nước và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.