Với năng suất đạt 12-14 tấn/ha, giá bán dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, mỗi ha khoai lang có thể mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng, cao gấp 2-3 lần so với các loại cây trồng khác - Ảnh minh họa. |
Xã Thanh An, nằm ở phía Đông Nam huyện Điện Biên, từ lâu đã được biết đến với giống khoai lang ruột trắng, vỏ vàng đặc trưng. Giống khoai này tuy được trồng phổ biến trên cánh đồng Mường Thanh, nhưng khoai lang ở Thanh An lại nổi tiếng với độ bùi, thơm, bở, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc trồng khoai ở Thanh An chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, manh mún, nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Nhận thức được tiềm năng của loại cây trồng này, từ năm 2020, chính quyền xã Thanh An đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị cho cây khoai lang.
Anh Lương Quý Tuấn, trưởng thôn Đồi Cao, cho biết: "Khoai lang là cây truyền thống, dễ trồng, đầu tư thấp, chịu hạn tốt. Trước đây, người dân chỉ trồng để phục vụ chăn nuôi. Nay, nhu cầu thị trường tăng, khoai lang đã trở thành hàng hóa, mang lại thu nhập cao".
Năm nay, thôn Đồi Cao trồng gần 30ha khoai lang, nhiều hộ còn thuê thêm đất để mở rộng diện tích. Với năng suất đạt 12-14 tấn/ha, giá bán dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, mỗi hecta khoai lang có thể mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng, cao gấp 2-3 lần so với các loại cây trồng khác.
Để hỗ trợ người dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên đã triển khai dự án hỗ trợ phát triển cây khoai lang tại xã Thanh An, cung cấp phân bón, vôi và thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ dân; đồng thời, tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh, bảo quản sau thu hoạch.
Ông Phạm Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm, cho biết: "Chúng tôi tập trung hỗ trợ người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất khoai lang an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường".
Xã Thanh An cũng đang tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm khoai lang đến người tiêu dùng, đồng thời quy hoạch vùng trồng tập trung, hướng dẫn người dân kỹ thuật thu hoạch, sơ chế, bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Lò Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Thanh An, chia sẻ: "Xã đã quy hoạch hơn 52ha trồng khoai lang. Chúng tôi tin rằng, với sự nỗ lực của chính quyền và người dân, khoai lang Thanh An sẽ trở thành sản phẩm đặc sản tiêu biểu của địa phương".
Sự phát triển của cây khoai lang ở Thanh An không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn tạo động lực cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế nông thôn của huyện Điện Biên phát triển bền vững.