Ông Mai Đình Thọ,Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch chia sẻ về việc, áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật tiên tiến và theo dõi chất lượng sản phẩm Sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đảm bảo an toàn và chất lượng cho sản phẩm |
Chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp
Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp sạch được thành lập vào năm 2021, với diện tích canh tác sầu riêng 196ha bao gồm của xã viên và tổ chức. Trước đây, HTX chủ yếu tập trung vào mô hình trồng sầu riêng theo kiểu truyền thống. Tuy nhiên, nhận thấy nhu cầu ngày càng cao của thị trường đối với các sản phẩm sạch, an toàn và không sử dụng hóa chất, HTX đã quyết định chuyển đổi dần sang mô hình trồng sầu riêng hữu cơ.
Một trong những yếu tố quan trọng để HTX thúc đẩy quá trình chuyển đổi này là nhận thức về những tác động tiêu cực của việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hóa học trong trồng, chăm sóc sầu riêng đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người và môi trường. Với xu hướng hiện nay, người tiêu luôn ưa chuộng các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất bằng hữu cơ mang lại nhiều lợi ích.
Trong quá trình chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Sạch đã đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là những thách thức đặc trưng của việc thay đổi phương thức sản xuất lâu đời sang một mô hình hoàn toàn mới. Đối với nhiều thành viên trong HTX, phương thức canh tác hữu cơ là một khái niệm hoàn toàn mới. Các kỹ thuật truyền thống đã ăn sâu vào thói quen canh tác, vì vậy, khi chuyển đổi sang mô hình hữu cơ, bà con nông dân gặp khó khăn trong việc thích ứng và áp dụng đúng kỹ thuật. Các kiến thức như sử dụng phân bón hữu cơ, kiểm soát sâu bệnh bằng phương pháp sinh học, hay cách ủ phân hữu cơ không phải ai cũng thành thạo.
Ông Mai Đình Thọ, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch, chia sẻ: Dẫu biết rằng chuyển đổi canh tác hữu cơ mang lại nhiều lợi ích, nhưng HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch vẫn gặp không ít khó khăn, cây sầu riêng như "một cô gái đỏng đảnh" khó chăm sóc, Người nông dân thường có tâm lý e ngại, bởi hiệu quả của phân bón hữu cơ không thể hiện ngay lập tức như phân vô cơ. Điều này khiến họ lo lắng, nhất là khi đối mặt với sâu bệnh.; “Nhiều người vẫn còn quan niệm thà đi bệnh viện còn hơn thu nhập thấp hơn, chậm hơn”. Điều này phản ánh tâm lý muốn canh tác nhanh, hiệu quả ngay lập tức, mà không nhìn thấy hệ lụy lâu dài của việc lạm dụng thuốc trừ sâu và hóa chất.
Chi phí đầu tư cao, thời gian chuyển đổi kéo dài và năng suất giảm, việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm sầu riêng hữu cơ và thói quen, thay đổi niềm tin.
Tuy nhiên, để khắc phục những khó khăn trên, HTX đã tích cực liên kết với các tổ chức chuyên môn, tham gia các khóa đào tạo và tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình nông nghiệp hữu cơ của địa phương. Đồng thời, HTX cũng từng bước xây dựng thương hiệu và tìm kiếm đầu ra bền vững để tạo động lực cho bà con vững tin trong quá trình chuyển đổi.
Bằng việc áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật tiên tiến và theo dõi chất lượng sản phẩm Sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đảm bảo an toàn và chất lượng cho sản phẩm. Đầu tiên, HTX tổ chức tập huấn và nâng cao nhận thức cho bà con nông dân về nông nghiệp hữu cơ, cách áp dụng các phương pháp canh tác tự nhiên, không sử dụng hóa chất độc hại. Các thành viên trong HTX cũng được học cách sử dụng phân bón hữu cơ, ủ phân vi sinh, và các biện pháp sinh học để bảo vệ cây trồng khỏi sâu bệnh.
Chia sẻ về động lực thúc đẩy chuyển đổi hữu cơ, ông Mai Đình Thọ, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch, cho biết: “Sầu riêng tuy mang lại nguồn thu lớn cho người dân, nhưng số tiền kiếm được phần lớn chi vào việc chữa trị bệnh tật, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm như ung thư. Rất nhiều nông dân ở đây mắc bệnh và tôi cho rằng không chỉ là do chất độc từ chiến tranh, mà chủ yếu là do lạm dụng hóa chất trong canh tác. Tôi muốn chuyển đổi sang canh tác hữu cơ để bảo vệ sức khỏe người dân và cả người tiêu dùng”.
Dẫu biết rằng chuyển đổi canh tác hữu cơ mang lại nhiều lợi ích, nhưng HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch vẫn gặp không ít khó khăn. Ông Thọ ví von cây sầu riêng như "một cô gái đỏng đảnh" và việc chuyển đổi sang hữu cơ là cả một quá trình đầy thách thức. Người nông dân thường có tâm lý e ngại, bởi hiệu quả của phân bón hữu cơ không thể hiện ngay lập tức như phân vô cơ. Điều này khiến họ lo lắng, nhất là khi đối mặt với sâu bệnh.
Việc thuyết phục người dân chuyển đổi sang mô hình hữu cơ cũng là một trở ngại lớn. Chia sẻ về khó khăn trong việc thay đổi tư duy của nông dân, ông Thọ nói: “Nhiều người vẫn còn quan niệm thà đi bệnh viện còn hơn thu nhập thấp hơn, chậm hơn”. Điều này phản ánh tâm lý muốn canh tác nhanh, hiệu quả ngay lập tức, mà không nhìn thấy hệ lụy lâu dài của việc lạm dụng thuốc trừ sâu và hóa chất.
Bên cạnh đó, HTX cũng gặp phải những khó khăn về nguồn cung phân bón hữu cơ hiện tại. Trên thị trường, các sản phẩm phân bón hữu cơ có chứng nhận vẫn còn rất hạn chế, trong khi nhu cầu lại ngày càng tăng cao. HTX chỉ chọn hợp tác với những nhà cung cấp có sản phẩm phù hợp, đảm bảo chất lượng cho quá trình canh tác sầu riêng hữu cơ.
Tuy nhiên, ông Thọ tin rằng chỉ cần kiên trì và nhìn xa hơn vào tương lai, lợi ích của mô hình hữu cơ sẽ dần được khẳng định. Ông cho rằng: “Sầu riêng khi trồng hữu cơ có khả năng phát triển bền vững hơn, đất trồng cũng được phục hồi, giúp cây sầu riêng có tuổi thọ cao hơn và trái đạt chất lượng tốt hơn”.
Việc áp dụng mô hình hữu cơ của HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch không chỉ giúp cây sầu riêng phát triển bền vững mà còn cải thiện độ phì nhiêu của đất |
Dù còn nhiều thách thức, nhưng mô hình canh tác hữu cơ mà HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch theo đuổi vẫn mang lại nhiều tiềm năng to lớn cho nông nghiệp Đắk Lắk. Với đặc tính đất đỏ bazan màu mỡ và điều kiện thời tiết thuận lợi, việc áp dụng mô hình hữu cơ không chỉ giúp cây sầu riêng phát triển bền vững mà còn cải thiện độ phì nhiêu của đất.
Với động lực và mục tiêu chuyển đổi sang canh tác hữu cơ, HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch thể hiện tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, người nông dân và hơn hết là bảo vệ môi trường. Đây là bước chuyển mình đầy ý nghĩa, không chỉ nâng cao giá trị nông sản địa phương mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững cho nông nghiệp Đắk Lắk.
Kỹ thuật hiện đại, vun trồng tương lai
Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp ngày càng chú trọng đến yếu tố bền vững và bảo vệ môi trường, việc chuyển đổi sang mô hình canh tác hữu cơ đã trở thành xu thế tất yếu. Tuy nhiên, quá trình này không chỉ đòi hỏi sự thay đổi trong kỹ thuật canh tác mà còn là sự chuyển biến trong tư duy và phương pháp quản lý. HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch, dưới sự lãnh đạo của ông Mai Đình Thọ, đã tiên phong đưa các tiến bộ khoa học công nghệ vào quy trình trồng sầu riêng hữu cơ, mở ra một tương lai xanh cho tỉnh nhà.
Theo đó, HTX đã mạnh dạn áp dụng thiết bị đo dinh dưỡng đất Enfarm và hệ thống giải pháp AIGU Smart Farm trên diện tích hơn 10ha. Đây là hai công nghệ đột phá trong việc chăm sóc cây trồng, đặc biệt là sầu riêng hữu cơ. Hệ thống tự động hóa cao, bao gồm các tính năng kiểm tra chất lượng đất, dự báo thời tiết, chẩn đoán sâu bệnh, tưới nước và hệ thống châm phân bón tự động, giúp tối ưu hóa quá trình chăm sóc cây trồng.
HTX áp dụng thiết bị đo dinh dưỡng đất Enfarm và hệ thống giải pháp AIGU Smart Farm trên diện tích hơn 10ha |
Ông Thọ cho biết: “Trước khi áp dụng công nghệ, kiểm tra đất tốn rất nhiều thời gian, nhưng nhờ những công nghệ này, chúng tôi có thể tự kiểm tra nhanh chóng và hiệu quả, giảm thiểu công sức nhưng lại ưu việt hơn nhiều”.
Chia sẻ về lợi ích của khoa học công nghệ trong canh tác sầu riêng hữu cơ, anh Kiều Quang Hiển, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AIGU, cũng cho biết: “Việc áp dụng công nghệ, dù là bán tự động hay tự động, đều mang lại sự khác biệt rất lớn so với các phương pháp truyền thống. Với sầu riêng, một loại cây trồng khó tính, công cuộc chuyển đổi từ phân vô cơ sang hữu cơ là một thách thức lớn. Khoa học công nghệ đã trở thành trợ thủ đắc lực cho người nông dân, giúp họ chăm sóc cây trồng một cách khoa học và chính xác hơn”.
Cùng với đó, HTX còn tổ chức các chuyến tham quan đến các vườn sầu riêng hữu cơ để học hỏi thực tế. Một trong những chuyến tham quan gần đây là tại vườn sầu riêng Sakura ở Khánh Hòa, nơi mà công nghệ khoa học hiện đại cũng được áp dụng vào sản xuất hữu cơ. Điều này giúp bà con HTX dễ dàng hiểu và thực hành theo.
Nói về năng suất khi chuyển đổi hữu cơ, ông Thọ nhấn mạnh: “Chúng tôi không đòi hỏi năng suất phải cao, nếu thấp hơn một chút cũng được, miễn là chất lượng được đảm bảo và sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ. Khi đã có chứng nhận hữu cơ, sầu riêng sẽ không phải lo về đầu ra, vì nhu cầu trong nước rất lớn và giá cả cũng rất tốt”.
Tuy nhiên, dù giá có cao hơn hay không thì việc canh tác hữu cơ và áp dụng công nghệ hiện đại cũng đã giảm phần lớn chi phí canh tác. Theo lời Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AIGU, hệ thống tưới và châm phân bón tự động không chỉ tối ưu hóa lượng tài nguyên cần thiết để chăm sóc cây mà còn giúp tiết kiệm nhân công lao động, giảm thiểu rủi ro cho bà con. Điều này cũng đã được Chủ tịch HTX xác nhận.
Dù vậy, việc thay đổi phương thức canh tác không hề đơn giản, đặc biệt đối với nông dân đã quen với cách làm truyền thống. Chia sẻ thêm về những thách thức trong quá trình triển khai, anh Hiển nói: “Thay đổi thói quen canh tác là điều không dễ dàng, nhưng may mắn chúng tôi có được sự đồng hành từ ông Mai Đình Thọ – một người có tầm nhìn và đam mê với công nghệ. Chính ông Thọ đã tạo điều kiện cho chúng tôi hợp tác và triển khai giải pháp AIGU Smart Farm tại HTX. Điều này giúp bà con nông dân hiểu thêm và tự tin áp dụng công nghệ vào sản xuất”.
Được biết, trong tương lai, HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch sẽ tiếp tục kiên định với con đường canh tác hữu cơ, đồng thời mở rộng quy mô và phạm vi áp dụng các công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng nông sản. HTX đặt mục tiêu trở thành đơn vị đưa sản phẩm hữu cơ chất lượng cao từ Đắk Lắk ra thị trường trong nước và quốc tế, từ đó góp phần nâng tầm vị thế nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Chuyển đổi hữu cơ và ứng dụng khoa học công nghệ vào canh tác sầu riêng là hướng đi hoàn toàn phù hợp với các chính sách phát triển bền vững của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan ban ngành tỉnh Đắk Lắk. Những bước đi chuyển đổi hữu cơ của HTX không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe của chính người trồng và người tiêu dùng mà còn góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, tạo ra một nền nông nghiệp bền vững cho thế hệ tương lai. HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch chính là một trong những “điểm sáng” để người dân học hỏi và làm theo khi không chỉ “vun trồng” cây trái mà còn “vun trồng” cả tương lai của ngành nông nghiệp hữu cơ./.