Bộ trưởng Lê Minh Hoan kiểm tra việc trồng thanh long tại Trang trại Nông nghiệp công nghệ cao Bình An, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. |
“Ngày đầu năm rong ruổi lên miền biên giới, nhìn những cánh đồng lúa mênh mông lượn sóng, mỗi người sẽ cảm nhận được niềm vui lan toả và biết ơn nỗi nhọc nhằn của bà con nông dân. Ghé thăm cánh đồng lúa Tâm Việt đang vào vụ thu hoạch. Nhìn chàng trai trẻ với ánh mắt đầy nghị lực dõi theo từng vết máy gặt đập cuốn đi những bông lúa và để lại phía sau là những bao lúa thành quả của mình...”.
Đây là một đoạn trong bài báo của nhà báo Xích Lô đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay, viết về câu chuyện khởi nghiệp của anh Võ Văn Tiếng – sinh năm 1991, chủ thương hiệu gạo sạch Tâm Việt, ở ấp Thượng, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Từ việc phản ánh tấm gương của người nông dân trẻ này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) kiêm nhà báo Xích Lô đã đặt ra con đường tất yếu cho ngành Nông nghiệp nước nhà.
“Chúng ta chọn con đường phổ quát đó hay vẫn lủi thủi, cố hữu với cách sản xuất truyền thống kém hiệu quả để rồi chấp nhận tụt hậu và ca mãi bài ca được mùa, mất giá. Tiếng đã khởi nghiệp. Hệ thống chúng ta cũng phải đồng hành khởi nghiệp”, nhà báo Xích Lô đã “chốt” lại bài báo, với tâm thế của “tư lệnh” ngành Nông nghiệp.
Đây chỉ là một trong hàng trăm tác phẩm báo chí của ông Lê Minh Hoan, với bút danh “Xích Lô”, từ khi còn công tác tại Đồng Tháp với vị trí Bí thư Tỉnh ủy và khi làm Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Trong các tác phẩm của mình, ông viết rất nhiều về nông thôn và người nông dân, thể hiện tầm quan sát, cách nhìn nhận của lãnh đạo cao cấp nhưng gắn bó, gần gũi với người nông dân.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ, Hà Giang) |
Trong một lần chia sẻ với phóng viên, ông bảo, mỗi lần đặt bút viết, ông luôn đứng ở vị thế của người nông dân, nắm bắt cảm xúc của họ và đặt rất nhiều câu hỏi “tại sao”; từ đó tìm hiểu, học hỏi và giải quyết các vấn đề. Ông quan niệm, nhà báo phải biết đặt các câu hỏi từ trong cuộc sống, từ đồng ruộng. Nhiều khi, câu hỏi còn quan trọng hơn là câu trả lời.
“Khi đi từ nhà đến cơ quan hoặc đi xuống đồng, lội ruộng với bà con, tôi luôn quan sát xung quanh và đặt ra những câu hỏi: Tại sao có nông dân giàu và có nông dân nghèo? Tại sao chuỗi giá trị nông sản Việt hay bị đứt gãy? Tại sao chúng ta muốn sử dụng thực phẩm sạch nhưng nông sản chưa thực sự an toàn?...”, nhà báo Xích Lô chia sẻ.
Trực tiếp viết báo, nhất là viết về “tam nông” nên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan có góc nhìn rất sâu sắc nhưng cũng rất cụ thể về vai trò của báo chí, của nhà báo đối với ngành Nông nghiệp. Ông cho rằng, báo chí hiện không chỉ là công cụ tuyên truyền, không chỉ là kênh truyền dẫn thông tin mà đã trở thành truyền thông tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
“Đối với ngành Nông nghiệp, báo chí có thể tạo ra giá trị gia tăng cho nông sản bằng cách truyền bá những tư duy mới, mô hình mới, cách làm mới”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác của Chính phủ khảo sát vùng nghiên cứu lúa của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành, tỉnh An Giang. |
Ông Hoan phân tích thêm, trước đây, chúng ta coi giá bán (giá trị hữu hình) là giá trị của một sản phẩm. Còn ngày nay, giá trị của sản phẩm được tích hợp cả giá trị hữu hình và giá trị vô hình. Chúng ta không chỉ bán trái nho, trái quýt một cách thuần túy mà bán cả văn hóa của người sản xuất, văn hóa vùng miền, văn hóa địa phương ở trong sản phẩm và bán cả cảm xúc cho người tiêu dùng.
Theo Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, làm được điều này là chúng ta sẽ thay đổi được nền sản xuất nông nghiệp nước nhà. Và muốn thay đổi nền nông nghiệp thì phải làm sao giúp cho người nông dân thay đổi trước, bởi người nông dân là lực lượng đông đảo nhất trong lĩnh vực nông nghiệp. Báo chí cũng phải trở thành mạng lưới xã hội, lấy tôn chỉ để phục vụ nông nghiệp, phục vụ nông dân.
Để góp phần tạo ra giá trị gia tăng cho nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặc biệt coi trọng vai trò của đội ngũ phóng viên, nhà báo. Theo ông, nhà báo bình thường thì đưa tin, nhà báo giỏi thì biết cách kể chuyện, nhà báo giỏi hơn thì biết truyền cảm hứng và nhà báo giỏi hơn nữa thì biết kích hoạt hành động.
“Chúng ta không chỉ bán sản phẩm mà còn bán cả cảm xúc cho người tiêu dùng. Bởi vậy, nhà báo cũng cần biết thổi hồn cho các sản phẩm. Muốn độc giả có cảm xúc với tác phẩm của mình, trước tiên nhà báo cần đọc nhiều, đi nhiều, biết rung động, xúc động trước những sự việc mình chứng kiến”, nhà báo Xích Lô chia sẻ; đồng thời cũng bày tỏ kỳ vọng dành cho đội ngũ người làm báo khi viết về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.n