Hòa Bình đã hình thành hơn 100 chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn - Ảnh minh họa. |
Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị đang được tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh, coi đây là hướng đi tất yếu để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp, đồng thời góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững. Nhận thức được tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và hỗ trợ các chủ thể tham gia. Cụ thể, Nghị quyết số 226/2019/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giai đoạn 2020 - 2025 đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và phát triển các chuỗi giá trị nông sản trên địa bàn. Tỉnh cũng đã lồng ghép các hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trong các kế hoạch, đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bố trí nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp.
Đến nay, Hòa Bình đã hình thành hơn 100 chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn trong các lĩnh vực rau củ quả, thủy sản, chăn nuôi, chế biến nông, lâm, thủy sản. Nhiều chuỗi liên kết đã được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, chứng nhận an toàn thực phẩm, sản phẩm hữu cơ, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế. Một số nông sản chủ lực của tỉnh như bưởi Diễn Ngọc Lương, bưởi đỏ Tân Lạc, cam Cao Phong… đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Anh, Mỹ, Hàn Quốc.
Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ở Hòa Bình vẫn còn gặp một số khó khăn, nhất là khâu liên kết giữa các chuỗi giá trị và khâu tiêu thụ. Thực tế cho thấy, nhiều chuỗi giá trị còn thiếu tính bền vững, phụ thuộc vào trung gian, gặp khó khăn trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Để khắc phục những hạn chế này, tỉnh Hòa Bình đang tập trung vào các giải pháp: Thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân, hình thành các chuỗi giá trị bền vững, giảm thiểu trung gian; đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các chủ thể xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản, quảng bá sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi cho các chuỗi giá trị tiếp cận thị trường, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị, doanh nghiệp; giám sát chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm.