Trên địa bàn tỉnh đã triển khai 705 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó có 117 dự án liên kết theo chuỗi giá trị - Ảnh minh họa. |
Tại huyện Bạch Thông, dự án liên kết sản xuất khoai tây được triển khai từ năm 2023 với quy mô hơn 33 ha. Người dân được hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm. Mô hình này đã giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.
Ở huyện Na Rì, cây gừng trở thành cây trồng chủ lực nhờ dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Với giá thu mua ổn định 8.000 đồng/kg, năng suất 25 - 30 tấn/ha, người dân có thể thu về hơn 200 triệu đồng/ha. Đây là mức thu nhập đáng kể đối với người dân miền núi.
Từ năm 2023, diện tích trồng gừng ở Na Rì đã tăng lên 20 ha nhờ sự hỗ trợ từ Chương trình MTQG và quỹ "Hỗ trợ nông dân". Người dân được hỗ trợ phân bón, tập huấn kỹ thuật với kinh phí hơn 300 triệu đồng/chu kỳ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn, từ năm 2022 đến 2024, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 705 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó có 117 dự án liên kết theo chuỗi giá trị. Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai 377 dự án với tổng kinh phí hơn 343 tỷ đồng.
Các mô hình liên kết sản xuất đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao. Bắc Kạn hiện có 218 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Nhiều sản phẩm đã được đưa lên sàn thương mại điện tử, siêu thị và tham gia xúc tiến thương mại.
Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã thực sự trở thành "đòn bẩy" cho nông nghiệp Bắc Kạn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.