Gia Lai là tỉnh nằm ở phía Bắc của vùng Tây Nguyên, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, lâm nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản. Trong đó, cây trồng chủ lực vẫn là cà phê, cao su, hồ tiêu.Tuy nhiên, những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, một số loại cây trồng có sức chống chịu kém, cho năng suất thấp... đã được các địa phương trong tỉnh chuyển dịch sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, trên địa bàn tỉnh Gia Lai mỗi vùng có đặc điểm đất đai, thổ nhưỡng khác nhau, khu vực phía Tây thích hợp với cà phê, sầu riêng, cao su, hồ tiêu và các loại cây ăn quả, còn phía Đông và Đông Nam phù hợp với các loại cây trồng như mía, rau màu, lúa nước 2 vụ, mì, bắp và dược liệu.
Việc chuyển đổi mô hình xen canh sầu riêng trong vườn cà phê tại Gia Lai mang lại hiệu quả kinh tế cao |
Để định hướng phát triển nền nông nghiệp, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định số 79/QĐ-UBND ngày 28/2/2023 về danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Theo đó, tỉnh xác định 10 nhóm sản phẩm chủ lực từ trồng trọt gồm cà phê và các sản phẩm từ cà phê; cao su; hồ tiêu và sản phẩm từ hồ tiêu; mì và các sản phẩm từ mì; điều; lúa gạo; bắp các loại; rau an toàn; dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu; cây ăn quả và các sản phẩm từ cây ăn quả (chanh dây, chuối, bơ, sầu riêng) gắn với từng địa bàn cụ thể.
Điển hình, gia đình anh Nguyễn Hữu Thuận (trú thôn Thống Nhất, xã Ia Din, huyện Đức Cơ) có thu nhập cao từ trồng cây cà phê áp dụng phương pháp trồng, chăm sóc cây cà phê kiểu mới, “phương pháp trồng cà phê đa thân không hãm ngọn”, đặc điểm của phương pháp này là khoảng cách giữa các hàng sát nhau, không bấm ngọn của cây cà phê, cành và thân cho mọc nhiều hơn. Lúc cắt tỉa cành, sẽ dùng dao chặt luôn, không cần dùng kéo lựa cành tỉa như hình thức cũ; lượng phân bón chỉ 150-200 gram/cây/năm và tưới nước cũng chỉ 1 đợt vào mùa hoa cương căng nụ giúp hoa nở đều, bung hết nụ và thụ phấn cao hơn, quả cũng sẽ chín đồng loạt. Nhờ áp dụng phương pháp này mà năng suất của cây cà phê tốt hơn. Riêng năm 2023, mô hình trồng trên giúp gia đình có nguồn thu khoảng 280 triệu đồng” - anh Thuận chia sẻ.
Gia đình bà Hồ Thị Hương có 3 ha cà phê đã già cỗi nên năng suất thấp, mỗi năm chỉ thu được hơn 7 tấn nhân. Năm 2017, bà bắt đầu chuyển đổi dần diện tích cà phê sang trồng hồ tiêu và sầu riêng. Đến nay, bà trồng được 1.500 trụ hồ tiêu và 250 cây sầu riêng. Bà sử dụng phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học nên vườn cây phát triển bền vững.
“Hiện vườn hồ tiêu mỗi năm cho thu hơn 2 tấn. Vườn sầu riêng cũng đã có 100 cây cho thu hoạch. Năm 2023, gia đình tôi thu gần 900 triệu đồng từ bán sầu riêng và hồ tiêu. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt hơn 600 triệu đồng”-bà Hương cho hay.
Gia Lai hiện có hơn 4000 ha cây sầu riêng, cây sầu riêng đang dần thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả |
Nhận thấy hiệu quả từ việc tập trung sản xuất nông nghiệp theo từng vùng, tỉnh Gia Lai đã phổ biến những mô hình mang lại giá trị kinh tế cao, hướng tới hình thành nên các mô hình liên kết sản xuất bền vững, kinh tế trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng đất để mang lại kinh tế cho người dân, từ đó đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo bền vững trong tương lai.
Cà phê là sản phẩm chủ lực của tỉnh Gia Lai, trong năm 2023 sản phẩm cà phê chiếm gần 71% tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản hàng hóa của tỉnh. Trong khi tỉnh xác định không mở rộng thêm diện tích trồng cà phê, thì việc tập trung nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị mặt hàng này thông qua việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu là việc hết sức cần thiết.
Hiện, tỉnh Gia Lai có diện tích cây cà phê khoảng 100.000ha cho ra sản lượng cà phê đạt hơn 267.000 tấn, trong đó có khoảng hơn 200ha với sản lượng 62 tấn cà phê đặc sản. Theo nhu cầu ngày càng tăng cao của người tiêu dùng cùng với sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, tỉnh Gia Lai đã có kế hoạch đến năm 2025, tỉnh sẽ phát triển diện tích cà phê đặc sản khoảng 1.200ha. Mục tiêu đến giai đoạn 2026 - 2030, phát triển diện tích cà phê đặc sản khoảng 2.300ha, bằng 2,4% diện tích cà phê toàn tỉnh.
Trong thời gian qua, giá cà phê nhân đang ở mức cao kỷ lục 68.000 - 69.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới trên 70.000 đồng/kg, theo người dân cho biết thì với mức giá trên, 1ha cà phê có thể thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng, đây được xem là tín hiệu vui cho người trồng cà phê. Cùng với cây cà phê, cây sầu riêng hiện nay đang là cây trồng đang “hot” mang lại giá trị tiền tỉ/ha.
Để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao đạt hiệu quả cao, ngành nông nghiệp và các địa phương đang tích cực chuyển dịch các đối tượng cây trồng theo hướng quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, sản xuất liên kết theo chuỗi gắn với thương hiệu sản phẩm. Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh đã ban hành về phát triển nông nghiệp; cơ chế, chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao. Đồng thời, các địa phương khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX thực hiện các mô hình liên kết theo chuỗi, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân. Trên cơ sở kết quả xây dựng bản đồ nông hóa, ngành nông nghiệp cùng với các địa phương rà soát, điều chỉnh kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu ở từng địa phương; xây dựng các mô hình sản xuất an toàn./.