Các đại biểu đã có những chia sẻ, đóng góp về chuyên môn trong sự kiện để hưởng ứng phong trào trống phát thải CO2 và các chất thải gây hại khác tại Việt Nam |
Ngày 16/10/2024, sự kiện “Tôn vinh Anh hùng thực phẩm – Food Hero to Net Zero” do Mạng lưới phát triển thực phẩm Việt Nam cùng Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT) và Mạng lưới Ngân hàng thực phẩm toàn cầu (GFN) đồng phối hợp tổ chức. Đây là hoạt động ý nghĩa nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 44 năm Ngày Lương thực Thế giới (16/10/2024).
Theo “Báo cáo Quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam”, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, nông nghiệp là ngành có lượng phát thải khí nhà kính lớn thứ hai ở Việt Nam, chiếm khoảng 19% tổng lượng phát thải năm 2020. Tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 (2021), Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050. Tại COP28 (2023), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã một lần nữa cam kết với toàn thế giới: Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Ngày 28/4/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 1693/QĐ-BNN-KHCN phê duyệt Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (bao gồm kế hoạch giảm phát thải khí metan) đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Đến năm 2030, đảm bảo tổng lượng giảm phát thải khí nhà kính là 121,9 triệu tấn CO2 (không bao gồm lượng giảm phát thải khí nhà kính từ sử dụng năng lượng trong sản xuất).
Đối với lĩnh vực trồng trọt: mở rộng việc áp dụng công nghệ tưới khô ướt xen kẽ (AWD) và canh tác lúa cải tiến (SRI), 3 giảm 3 tăng (3G3T), 1 phải 5 giảm (1P5G) và rút nước giữa vụ trong canh tác lúa nước phù hợp từng vùng sinh thái nông nghiệp; thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang lúa thủy sản (lúa – cá, lúa – tôm) và sang cây trồng cạn nâng cao hiệu quả kinh tế, phù hợp điều kiện cụ thể của từng địa phương…
Trong lĩnh vực chăn nuôi sẽ tiến hành cải thiện khẩu phần thức ăn cho chăn nuôi bò sữa, bò thịt; cải thiện chất lượng khẩu phần ăn cho trâu và dê; tái sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ… Cùng với đó, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có ở vùng đồi núi; phục hồi (trồng mới) rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Nâng cao năng suất và trữ lượng carbon của rừng trồng gỗ lớn. Nhân rộng các mô hình nông lâm kết hợp để nâng cao trữ lượng carbon và bảo tồn đất.
Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu thực hiện “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050”, với mục tiêu “Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính …”.
Các tập thể, cá nhân tiêu biểu được vinh danh tại sự kiện đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển môi trường và xã hội tại Việt Nam trong thời gian vừa qua |
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, lễ “Tôn vinh Anh hùng Thực phẩm – Food Hero to Net Zero” được tiến hành để ghi nhận và vinh danh các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp với nỗ lực bền bỉ trên suốt hành trình phát triển các giá trị của thực phẩm cho cộng đồng, cho xã hội tại Việt Nam. Chương trình diễn ra với sự quan tâm đặc biệt từ lãnh đạo Bộ, Ban, Ngành, từ các đơn vị, đối tác, cá nhân và người dân trên cả nước thông qua hệ thống hồ sơ ứng cử và đề cử gửi về Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Food Hero. Sau nhiều vòng thẩm định và xét duyệt đến thống nhất từ Hội đồng thẩm định là những chuyên gia có chuyên môn cao đánh giá. Đối với những Food Hero là tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, tập thể với ý tưởng khởi nghiệp, sáng kiến, giải pháp, mô hình và dự án xã hội xuất sắc, mang tính đột phá và cống hiến tiêu biểu cho xã hội, cộng đồng về thực phẩm sẽ được xướng tên trong Lễ vinh danh nhận giải thưởng Food Hero bao gồm: Hạng mục giải thưởng Doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu, Hạng mục giải thưởng Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tiêu biểu, Hạng mục giải thưởng Tạo tác động xã hội và Hạng mục giải thưởng Dự án vì cộng đồng.
Những đơn vị và cá nhân tiêu biểu được vinh danh trong sự kiện có thể kể tới: Công ty cổ phần Mondelez Kinh Đô Việt Nam, Tập đoàn Vina T&T, Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam, Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Thành viên HĐQT, Giám đốc Truyền thông - Công ty Cổ phần Thực phẩm G.C...
Ông Nguyễn Tuấn Khởi - Chủ tịch Food Share Việt Nam, Mạng lưới Ngân hàng thực phẩm Việt Nam, chia sẻ: “Chuỗi chương trình Diễn đàn thực phẩm bền vững và Lễ tôn vinh anh hùng thực phẩm năm 2024, diễn ra thường niên vào ngày Lương thực Thế giới 16.10, và đây là lần thứ hai Mạng lưới Ngân hàng thực phẩm Việt Nam tổ chức sự kiện ý nghĩa này. Năm nay, chương trình không chỉ nhằm nâng cao nhận thức về an ninh lương thực và dinh dưỡng mà còn tạo cơ hội kết nối các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng nhằm thúc đẩy các giải pháp bền vững."
Bên cạnh những tổ chức và cá nhân tiêu biểu được vinh danh, sự kiện "Food Hero to Net Zero" còn thu hút không ít đại diện các tổ chức, doanh nghiệp đầu ngành và người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trong lĩnh vực (KOLs) tới tham dự.
Food Hero to Net Zero 2024 có sự góp mặt của 2 đầu bếp nổi tiếng: Master Chief Lê Trần Triều Thúy Vũ - Phó Chủ tịch Hội đầu bếp TP HCM & Master Chief Trần Quang Khải - Tổng giám đốc Flavor Meal |
Lễ tôn vinh anh hùng thực phẩm năm 2024 được tổ chức nhằm thúc đẩy sự thay đổi có ý nghĩa bền vững trong lĩnh vực thực phẩm thông qua việc tôn vinh những hành động, sáng kiến, chương trình, cá nhân, tập thể… mang lại giá trị chia sẻ và phát triển tích cực của mọi đối tượng của hệ thống thực phẩm, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng trong công tác xây dựng hệ thống thực phẩm cộng đồng phát triển theo hướng bền vững./.